+
Aa
-
like
comment

Nghịch lý thiếu điện nhưng phải giảm phát điện

04/10/2019 08:05

Chiều 3.10, đoàn khảo sát liên ngành của Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức tọa đàm về phát triển năng lượng mới, bảo đảm an ninh năng lượng tại Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group (ngoài cùng bên phải), giới thiệu các dự án năng lượng sạch của Trung Nam Group với đoàn khảo sát liên ngành /// Ảnh: Thiện Nhân
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group (ngoài cùng bên phải), giới thiệu các dự án năng lượng sạch của Trung Nam Group với đoàn khảo sát liên ngành.

Hàng loạt dự án phải cắt giảm công suất

Ông Nguyễn Minh Trứ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, đề nghị đoàn khảo sát liên ngành kiến nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị kịp thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và giải tỏa những điểm nghẽn, nút thắt để giúp doanh nghiệp thật sự có điểm tựa vững bền, gắn bó lâu dài với Ninh Thuận.

Theo báo cáo của Sở Công thương Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cho Ninh Thuận, với 30 dự án, tổng quy mô công suất gần 2.000 MW. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án năng lượng sạch, tổng công suất 1.816,8 MW, tổng vốn đăng ký 45.717,8 tỉ đồng.

Đến nay đã có 15 dự án điện gió và điện mặt trời (ĐMT) đưa vào vận hành thương mại, tổng quy mô công suất 1.063 MW. Tuy nhiên, hiện việc giải phóng công suất cho 15 dự án đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo, hiện có đến 9/15 dự án phải thực hiện giảm phát từ 30 – 60% công suất (công suất giảm phát khoảng 192,6 MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ tiếp tục có 2 dự án (công suất 80 MW) đưa vào vận hành thương mại; 14 dự án còn lại (công suất 673,78 MW) sẽ đưa vào vận hành trong năm 2020.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chủ đầu tư dự án năng lượng sạch cho rằng khó khăn hiện nay là vấn đề đường truyền đấu nối công suất của dự án. Ông Phạm Bá Tùng, Giám đốc Công ty điện gió Mũi Dinh, cho biết đầu tư dự án năng lượng sạch rất hiệu quả. Tuy nhiên, do phải thực hiện giảm phát hơn 50% công suất sau hơn 5 tháng đưa vào vận hành, công ty mất hơn 5.000 MW.

Tình trạng quá tải công suất đã được dự báo từ khá sớm. Từ thời điểm giữa năm nay, nhiều nhà máy năng lượng tái tạo đã phải cắt giảm năng suất vì không thể lên lưới. Đỉnh điểm là vụ 2 dự án điện gió kêu cứu vì bị ép giảm công suất hồi tháng 6 vừa rồi khiến Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận phải gửi kiến nghị lên Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực VN (EVN) về việc bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải, trái với thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký giữa các dự án này với ngành điện trước đó.

Doanh nghiệp muốn được đầu tư đường dây 500 KV

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), phân tích luật quy định rất rõ, đối với những đường dây 500 KV thì chỉ có EVN quản lý, vận hành nhưng không quy định EVN phải đầu tư xây dựng. Đó chính là mấu chốt vấn đề. Trung Nam Group đang đề xuất với Chính phủ cho phép đầu tư đường dây 500 KV từ H.Thuận Nam (Ninh Thuận) đến Vĩnh Tân (Bình Thuận) dài 17 km, để giải tỏa công suất cho các nhà máy ĐMT đã được cấp phép đầu tư ở tỉnh này. Thực tế, địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đang rất căng thẳng về việc giải tỏa công suất cho các nhà máy ĐMT đã và đang xây dựng.

“Đường dây 500 KV Thuận Nam – Vĩnh Tân nằm trong quy hoạch tổng thể của đường dây 500 KV Vân Phong (Khánh Hòa) – Vĩnh Tân đã được Chính phủ phê duyệt. Trung Nam Group xin phép được đầu tư xây dựng trước đường dây, trạm 500 KV Thuận Nam – Vĩnh Tân với mục đích giải tỏa tổng công suất của các nhà máy ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trong đó có một số nhà máy ĐMT đã đưa vào vận hành nhưng bị giảm tải do không có đường truyền kết nối. Ngoài ra, các đường dây 110 và 220 KV hiện hữu tại Ninh Thuận cũng đã quá tải. Nếu Chính phủ cho phép, chúng tôi cam kết đến năm 2020 sẽ giải tỏa toàn bộ công suất của các nhà máy ĐMT hiện đang bị giảm tải do thiếu đường truyền”, ông Tiến nhấn mạnh.

Về quản lý đường dây Thuận Nam – Vĩnh Tân, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thì sẽ có 2 hình thức: một là bàn giao toàn bộ tài sản cho EVN (với giá 0 đồng) quản lý, vận hành; hai là thuê lại EVN để vận hành. Mục đích đầu tư đường dây Thuận Nam – Vĩnh Tân của Trung Nam Group là xin Chính phủ cho phép nâng công suất nhà máy ĐMT của Trung Nam Group từ 130 MW lên 450 MW để có đủ kinh phí, lợi ích cũng như chia sẻ với các nhà đầu tư khác để đầu tư đường 500 KV. Ông Tiến cho rằng việc để nhà đầu tư tham gia xây dựng trạm, đường dây 500 KV Thuận Nam – Vĩnh Tân sẽ đem lại lợi ích chung, nhà nước tiết kiệm khoảng 4.000 tỉ đồng xây dựng đường dây Thuận Nam – Vĩnh Tân và các nhà đầu tư giải tỏa được công suất.

Ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn khảo sát, nhận định điểm nghẽn hiện nay của các dự án năng lượng sạch là hạ tầng đường truyền và doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng đang vướng về cơ chế. Sau buổi tọa đàm, đoàn khảo sát liên ngành sẽ có trách nhiệm thông tin, báo cáo với các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để tháo gỡ.

(Theo Thanh Niên)

Bài mới
Đọc nhiều