Nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất vẫn cao
Trước tình hình một số ngân hàng lớn đã tuyên bố giảm lãi suất nhưng thực tế lãi suất cả đầu vào và đầu ra vẫn rất cao, khiến cho người đi vay đặt câu hỏi vì sao có một nghịch lý đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam, đó là lạm phát thấp, nhưng lãi suất lại cao. Lãi suất cho vay cao, cộng thêm những tiêu chí, điều kiện khắt khe khiến các khoản vay khó tiếp cận hơn bao giờ hết.
Câu chuyện không chỉ ở lạm phát
Thông thường, lạm phát tăng, lãi suất chắc chắn sẽ phải tăng theo để kiểm soát cán cân cung cầu cho nền kinh tế. Nhưng logic đó lại không đúng hoàn toàn ở chiều ngược lại, tức lạm phát thấp, lãi suất sẽ thấp.
Nguyên nhân là vì còn phải xem xét nền kinh tế đang trong giai đoạn nào. Nếu trong điều kiện kinh tế thế giới trên đà tăng trưởng, số lượng việc làm liên tục được tạo ra, tâm lý người tiêu dùng sẽ thoải mái, qua đó việc lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực đó là kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, một vòng lặp đưa kinh tế đi lên. Thế nhưng hiện nay, kinh tế thế giới đang trên đà suy thoái với nhiều cuộc sa thải quy mô rộng, thì việc lãi suất giảm sẽ tạo ra hiệu ứng ngược.
Câu chuyện ở Trung Quốc vừa qua sẽ giúp hiểu vì sao. Sau 3 năm đóng cửa phòng dịch Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay tung ra các chương trình tín dụng ưu đãi để kích thích chi tiêu tiêu dùng nội địa. Thế nhưng, nỗ lực kích thích chi tiêu của Bắc Kinh đang đối mặt một rào cản: Đó là người dân sử dụng các khoản vay tiêu dùng giá rẻ này sai mục đích. Nhiều người đi vay đã tận dụng lãi suất thấp để trả trước các khoản vay thế chấp mua nhà hoặc đầu tư vào cổ phiếu, thay vì mua sắm hàng hóa. Hệ quả là dòng tiền lại bị chôn vùi trong núi tài sản (nhà đất và cổ phiếu) mà không tạo ra giá trị về mặt sản xuất kinh doanh.
Câu chuyện ở Trung Quốc sẽ là một minh họa sống động cho bức tranh hiện nay ở Việt Nam. Lạm phát tuy thấp nhưng nếu lãi suất giảm, thì kể cả khi được vay ưu đãi, người tiêu dùng vẫn sẽ có xu hướng thắt chặt thay vì chi tiêu như lúc kinh tế tăng trưởng. Chẳng ai biết dòng tiền từ tín dụng ưu đãi sẽ đi đâu về đâu nếu chẳng may nó không được đưa vào tiêu dùng. Và đặc biệt sẽ rất khó trong công tác quản lý sau khi lượng tiền được tung ra qua các khoản tín dụng ưu đãi, thế nên rủi ro phát sinh là rất lớn, chính vì thế lãi suất cao là một biện pháp phòng thủ, bảo vệ an toàn thành quả lạm phát thấp, chờ đợi cho đến khi kinh tế thế giới có tín hiệu khởi sắc.
Cũng cần lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam chưa phải là kinh tế thị trường hoàn toàn tự do, mà còn là mô hình kinh tế thị trường có sự điều tiết, can thiệp của Nhà nước. Thế nên chỉ số lạm phát thấp hiện nay không phải tự nhiên thấp, đây là sự điều tiết của Nhà nước, một thành tựu từ nỗ lực của Chính phủ trong việc giữ kinh tế ổn định. Nếu thả nổi như nền kinh tế các nước phát triển, có lẽ, lạm phát ở Việt Nam hiện nay hẳn đã phải rất cao.
Lãi suất cao, làm sao phát triển?
Có một nỗi băn khoăn là làm sao kinh tế Việt Nam có thể giữ được nhịp đi lên khi lãi suất cao như vậy. Tuy nhiên, lãi suất cao không hẳn đã là xấu.
Vì kinh tế có chu kỳ và hiện nay là thời của những dự án “tiền tươi thóc thật”. Đầu tiên là các dự án đầu tư công, với nguồn tiền mặt từ ngân sách Chính phủ. Thứ hai là dòng tiền từ các dự án FDI nước ngoài. Cuối cùng là những doanh nghiệp có tiền mặt lớn, dư nợ thấp ở mức an toàn. Trong đó, FDI và doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn sẽ có lợi thế khi các đối thủ trên thị trường rút lui vì không đủ thanh khoản.
Lãi suất cao do đó sẽ loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém và để lại một bài học cho những doanh nghiệp đến sau về quản trị vốn. Thế nên lãi suất cao có thể gây khó khăn trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ để lại một bài học về dài hạn, để doanh nghiệp Việt Nam sau này cảnh giác hơn và xây dựng dần một cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh, kiểm soát tốt dòng tiền và dư nợ tốt để sẵn sàng ứng phó biến động từ bên ngoài. Chỉ như thế thì nước ta mới được coi là một nền kinh tế khỏe và phát triển bền vững.
Huy Hoàng