Nghĩa vụ mà còn trốn thì nói đạo đức làm gì?
Ở Việt Nam có một bộ phận người “rất lạ”, luôn rêu rao rằng họ đang đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền, văn minh, tiến bộ” nhưng hành xử lại đi ngược lại với lời nói. Họ luôn đòi hỏi quyền lợi cá nhân một cách vô lý, nhưng lại trốn tránh trách nhiệm công dân: thường xuyên vi phạm pháp luật, tìm mọi cơ hội để bôi xấu hình ảnh đất nước,… Và đến cả nghĩa vụ thuế cũng luôn tìm cách “trốn”!
Nhắc đến đây có lẽ nhiều người đã nhận ra rằng người viết đang nhắc đến trường hợp của một “Luật sư” có tên Trần Vũ Hải. Ông này và vợ mình là bà Ngô Thị Tuyết Phương (Giám đốc công ty TNHH Luật Hà Nội) vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hoà khởi tố, điều tra về tội “Trốn thuế” theo điều 161, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chuyện đáng nói là trước nay, ông Trần Vũ Hải luôn tự đánh bóng bản thân của mình bằng những cái danh hão như “giúp dân nghèo kiện chính quyền”, “bảo vệ tù nhân chính trị”… Facebook cá nhân của Trần Vũ Hải cũng có đến hàng chục nghìn lượt theo dõi bởi những bài viết được gọi là “đấu tranh vì tiến bộ, dân chủ, văn minh cho Việt Nam”. Xem ra, với vụ việc bị cơ quan Công an khởi tố lần này thì bản chất của ông Hải sẽ bị phơi bày là trái với những gì ông ta “tự quảng cáo” trên mạng xã hội.
Văn minh, tiến bộ?
Tội trốn thuế là một trong những tội có khung hình phạt nghiêm khắc và được chú trọng hàng đầu trong hệ thống pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Càng các nước phát triển thì tội phạm trốn thuế càng nhiều và bị xử lý với những hình phạt càng nghiêm khắc. Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc,… là những quốc gia hàng đầu cho thấy sự “khắc nghiệt” trong xử lý tội phạm về thuế. Ngoài hình phạt của pháp luật, người phạm tội trốn thuế còn phải chịu sự coi thường, khinh biệt. Nếu người phạm tội là cá nhân, họ sẽ bị dư luận xã hội lên án, chỉ trích gay gắt. Nếu là doanh nghiệp, tổ chức phạm tội, cộng đồng sẽ quay lưng bằng cách tẩy chay sản phẩm, dịch vụ do công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ… Hiểu đơn giản, đã văn minh, tiến bộ thì không được trốn thuế.
Tại Việt Nam thì khác, nhận thức của cộng đồng về hành vi trốn thuế còn khá thấp. Dư luận xã hội chưa gay gắt với tội phạm trốn thuế, hệ thống pháp luật còn nhiều lỗ hổng cũng như chưa có những hình phạt nghiêm khắc xứng đáng… Thế nên, tội phạm trốn thuế vẫn tiếp diễn phức tạp và thậm chí là “tự bào chữa” cho hành vi trốn thuế của mình là không sai.
Quay lại với trường hợp của ông Luật sư Trần Vũ Hải. Ông này bị khởi tố về tội trốn thuế nhưng lại cũng đang có hành vi “kêu oan” bằng cách hướng lái dư luận sang những nhận thức khác. Theo bài viết trên trang Facebook cá nhân của Trần Vũ Hải, ông này cho rằng hành vi tiếp tay cho tội phạm trốn thuế của mình chỉ là “sự việc nhỏ”. Ngay lập tức, một số trang mạng lề trái cũng đăng tải tin tức để bênh vực Trần Vũ Hải. Bằng cách lập lờ đi hành vi trốn thuế, họ vu cáo rằng việc Trần Vũ Hải bị khởi tố là do cơ quan chức năng muốn cản trở Trần Vũ Hải tiếp tục “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, văn minh, tiến bộ” tại Việt Nam.
Thực ra, đây chỉ là những lời “chống chế” vô căn cứ mà thôi. Ông Trần Vũ Hải và vợ mình vốn dĩ là những luật sư có tiếng. Họ đủ hiểu và rất giỏi về pháp luật nói chung cũng như pháp luật về thuế nói riêng. Nếu ông Hải và vợ mình vô tội, có lẽ họ đã loan báo khắp nơi để kiện ngược lại cơ quan chức năng ngay lập tức rồi.
Facebook của Trần Vũ Hải trước nay luôn có nhiều bài viết “tố cáo, chỉ trích” lực lượng chức năng một cách thậm tệ nhưng riêng vụ việc lần này thì Trần Vũ Hải đã chọn cách thông báo rằng “xin được tạm dừng hoạt động”. Đây cũng có thể được xem là hành động mà Trần Vũ Hải đang tự thừa nhận hành vi trốn thuế của ông ta là không có gì để chối cãi cho dù chưa có kết luận chính thức của Toà án.
Quả thực là hài hước. Người ta cứ lấy cái mác dân chủ, văn minh ra để nói rằng tôi đây là người hoạt động đấu tranh “có lương tâm” rồi đi trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế? Sự mâu thuẫn ấy đủ để tố cáo bản chất sự thật của một con người là như thế nào.
Hỡi ôi, những con người đang mang danh “nhà hoạt động dân chủ” nếu muốn đất nước phát triển, tiến bộ và văn minh hơn thì đừng có hành động đi ngược lại với lời nói như thế. Trước khi mở miệng chê bai đất nước, trước khi đòi hỏi “Tổ quốc đã làm gì cho ta” thì phải hỏi “ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”?
Và đã dám làm thì hãy dám chịu. Đã dám trốn thuế thì phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật vì trốn tránh nghĩa vụ của cá nhân với đất nước. Đừng mãi nguỵ biện rằng mình tốt đẹp thì thực tế là trái ngược hoàn toàn!
(Theo Bút Danh)