+
Aa
-
like
comment

Nghĩa vụ bảo quản chứng cứ trong vụ án hình sự của Mỹ như thế nào?

24/05/2020 09:24

Nghĩa vụ bảo quản chứng cứ được xác lập để bảo vệ quyền được xét xử đúng quy trình hợp lý và công bằng dưới Tu chính án thứ 6 và 14 của Hiến pháp.

Nghĩa vụ bảo quản chứng cứ trong vụ án hình sự của Mỹ như thế nào?

Tuy vậy, lực lượng chức năng không cần bảo quản mọi chứng cứ thu thập được. Nghĩa vụ bảo quản chỉ áp dụng với chứng cứ được cho là có thể đóng vai trò lớn trong công tác bào chữa, tức chứng cứ có hai đặc điểm là “mấu chốt” và “có thể gỡ tội”. Theo đó, chứng cứ mấu chốt là chứng cứ quan trọng liên quan trực tiếp tới các tình tiết trong vụ án, chứng cứ có thể gỡ tội là chứng cứ có lợi cho bị cáo.

Chứng cứ ngoại phạm gần như luôn được coi là chứng cứ mấu chốt và có thể gỡ tội, bao gồm lời khai nhân chứng cho thấy bị cáo không ở tại hiện trường, hoặc chứng cứ pháp y (ví dụ ADN) cho thấy bị cáo không thể thực hiện tội phạm…

Các chứng cứ mấu chốt và có thể gỡ tội khác còn bao gồm:

– Chứng cứ thu thập được tại hiện trường vụ án: Các tiểu bang đều có quy định riêng về việc thu thập và bảo quản chứng cứ tại hiện trường như hung khí, mẫu máu, và ảnh chụp hiện trường.

– Băng ghi âm ghi hình lời khai của nhân chứng hoặc bị cáo.

– Ghi chép của cảnh sát, điều tra viên: hầu hết các bang sẽ yêu cầu cảnh sát và điều tra viên bảo quản giấy tờ ghi chép trong quá trình thẩm vấn. Nếu những bản ghi chép này chứa đựng thông tin gỡ tội, thông tin này phải được chuyển cho bên bào chữa.

– Cuộc gọi khẩn cấp: Lực lượng chức năng thường phải lưu giữ cuộc gọi 911 hoặc biên bản ghi nội dung cuộc gọi.

Dù là cơ quan thu thập hầu hết các chứng cứ trong vụ án hình sự, cảnh sát không phải là phía duy nhất có nghĩa vụ bảo quản. Nghĩa vụ này còn mở rộng bao gồm điều tra viên, nhân viên hành chính, pháp y của cơ quan điều tra, và công tố viên…

Nghĩa vụ bảo quản không áp dụng đối với cá nhân không làm việc cho nhà nước và tổ chức tư nhân, trừ phi giữa họ và cơ quan chấp pháp có quan hệ chính thức. Ví dụ, nếu công tố viên thuê phòng thí nghiệm ADN tư nhân để giám định mẫu máu thu từ hiện trường, nơi này cũng phải bảo vệ và lưu giữ vật chứng cùng kết quả giám định.

Nếu chứng cứ bị phá hủy hoặc thất lạc, bị cáo phải có trách nhiệm chứng minh hai điều: cơ quan chức năng đã vi phạm nghĩa vụ bảo quản, đồng thời vi phạm này ảnh hưởng tới quyền được xét xử công bằng và theo trình tự hợp lý của bị cáo. Nói theo cách khác, bị cáo phải chứng minh cơ quan chức năng đã có ác ý khi để mất chứng cứ mấu chốt và có thể gỡ tội.

Để chứng minh tính mấu chốt, bị cáo cần cho thấy vật chứng bị phá hủy không thể được thay thế, đồng thời trước khi phá hủy vật chứng, lực lượng chấp pháp vốn dĩ có cơ sở để tin rằng vật chứng này có thể có lợi cho bị cáo. Ví dụ, nếu cơ quan chức năng thường lưu giữ mẫu vân tay lạ trong các vụ án trước, nhưng trong vụ án hiện tại lại đem phá hủy, điều này có thể cho thấy vật chứng bị hủy có tính mấu chốt. Tương tự, nếu cơ quan chức năng sử dụng, hoặc có ý định sử dụng một vật chứng nào đó, điều này cũng là dấu hiệu cho thấy cơ quan chức năng nhận ra tầm quan trọng của vật chứng trên.

Nếu phát hiện cơ quan công tố đã vi phạm nghĩa vụ bảo quản chứng cứ, bị cáo có thể chọn một số biện pháp khắc phục như yêu cầu tòa án loại bỏ chứng cứ liên quan khỏi hồ sơ, hạn chế hoặc loại bỏ lời khai về vật chứng thất lạc, hoặc bãi bỏ cáo trạng. Nếu sau khi bị kết tội mới phát hiện việc thất lạc vật chứng, bị cáo cũng có thể kháng cáo yêu cầu hủy án để tái thẩm.

Quốc Đạt/VNE

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều