Nghĩa đồng bào
Lúc này đây, đang sống giữa tâm dịch, giữa gian khó chất chồng, tôi nhìn vào những nghĩa cử ấy, và xác tín rằng đồng bào tôi rồi sẽ vượt qua.
Giữa gian khó vì đại dịch COVID-19, chính quyền Quảng Nam, Đà Nẵng và rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp từ mọi miền đất nước đã nhanh chóng hỗ trợ người dân nghèo gặp khó và những người dân đang sống trong các khu cách ly.
Gạo và thực phẩm hỗ trợ gửi đến từng nhà dân trong khu phong tỏa, dẫu không nhiều nhưng phần nào giải quyết tình trạng chật vật thiếu thốn của bà con nơi ấy. Tôi cảm thấy ấm lòng khi đọc thông tin đó giữa những ngày tháng âu lo này.
Người dân gặp khó trong đại dịch thì nhiều vô kể, nhưng cần hỗ trợ trước mắt, kịp thời nhất chính là người dân trong các khu phong tỏa. Nơi ấy, bà con những ngày này chỉ quanh quẩn trong nhà, mọi hoạt động đều bị đình trệ. Mối lo lớn nhất của người dân những vùng có dịch là ở câu hỏi chưa có câu trả lời: “Làm gì để sống những ngày tới cho đến lúc hết dịch?”.
Chính quyền và các nhà hảo tâm đã thấu hiểu hoàn cảnh người dân nơi vùng dịch, hỗ trợ ngay những hạt gạo, bó rau để người nghèo bớt phần nào lo lắng.
Trong số những nhóm bị ảnh hưởng từ đại dịch, người nghèo khó luôn là nhóm bị chịu trận nặng nhất. Các doanh nghiệp lớn mong mỏi được hỗ trợ để duy trì hoạt động sau lỗ lã, doanh nghiệp vừa tìm cách duy trì nhân viên được ngày nào hay ngày đó, song các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể xem ra quá sức chịu đựng. Còn người nghèo thì quả là trắng tay.
Trong đợt dịch đầu tiên, người dân có thể còn có khoản nhỏ dành dụm bấy lâu sống qua ngày. Nhưng đến đợt dịch tái bùng phát lần này, sức gắng gượng sẽ khó chịu nổi. Ngay tại vùng dịch người dân đã tự đùm bọc lấy nhau, người không bị cách ly chia sẻ từng tô mì, bát cháo, bó rau… cho những người đang cách ly và những nơi phong tỏa, nhưng nguồn lực cũng sẽ vơi đi nếu dịch kéo dài.
Mùa mưa bão lại sắp về. Tôi vẫn cứ lo không biết những ngày sắp tới đồng bào tôi sẽ gắng gượng và vực dậy ra sao? Mưa gió, bão lũ là mùa của vất vả mưu sinh, mùa của tiết kiệm với những gì đã có hơn là có thêm thu nhập. Lũ lụt xảy ra trong mùa mưa sắp tới, Quảng Nam thường hứng chịu hậu quả nặng nhất. Nếu rơi vào hoàn cảnh đó thì nỗi khó nhân đôi.
Người Quảng Nam, Đà Nẵng dẫu bao năm đã quen với cuộc sống một nắng hai sương, nhưng đại dịch đánh trực tiếp vào miếng cơm manh áo lần này là đầu tiên, những ngày tới vẫn chưa biết ra sao. Cuộc sống “bình thường mới” vẫn chưa thể bắt đầu trở lại thêm lần nữa, khi còn dịch.
Dải đất miền Trung có đặc thù kinh tế – xã hội khác với TP.HCM và Hà Nội. Tổng thu ngân sách không cao bằng, số lượng doanh nghiệp không nhiều bằng, thu nhập bình quân đầu người cũng luôn thấp hơn. Đại dịch ập đến, hoạn nạn như nhau, nhưng nguồn lực của các tỉnh miền Trung có được không nhiều. Huống gì là khi Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam vẫn đang trong tâm dịch, khó khăn chất chồng.
Chỗ dựa cuối cùng, có lẽ là sức chịu đựng, sự chịu thương chịu khó vốn có của người miền Trung. Hiểu được nỗi khó này để Chính phủ cần dành tâm sức, nguồn lực nhiều hơn và có chính sách cụ thể cho miền Trung cũng là điều cần kíp lúc này.
Chống dịch như chống giặc, Chính phủ và chính quyền các địa phương đang vừa tìm mọi cách dập dịch sớm nhất có thể, vừa phải lo không để một người nghèo nào phải gặp cảnh đứt bữa. Thật ấm lòng khi thấy trong những ngày gian nan này, cả nước đang dồn sức ra trận về Quảng Nam, Đà Nẵng, không chỉ với quyết tâm rằng “đồng bào Quảng Nam, Đà Nẵng an toàn là cả nước an toàn”, mà còn có cả nghĩa cử đồng bào.
Lúc này đây, đang sống giữa tâm dịch, giữa gian khó chất chồng, tôi nhìn vào những nghĩa cử ấy, và xác tín rằng đồng bào tôi rồi sẽ vượt qua.
Nguyễn Sự – Cựu bí thư Thành ủy Hội An