Nghĩ về trách nhiệm của chính quyền địa phương có người vượt biên sang Anh
Xung quang vụ việc 39 người chết trong container ở Anh (được phỏng đoán phần lớn là người Việt Nam) đã có rất nhiều ý kiến bàn tán về thảm họa này.
Có những ý kiến cho rằng những người vượt biên trái phép, để mong có một việc làm đổi đời nhanh chóng, thì dù biện minh dưới hình thức nào những con người đáng trách. Lại có người đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau của gia đình có người thân đánh cược với số mệnh đi theo những đường dây đưa người vượt biên.
Đây đều là những ý kiến cá nhân cần được tôn trọng, nhưng thiết nghĩ trong bối cảnh này ngồi bàn về con số 30.000 bảng Anh, hay việc những người mang khát vọng đổi đời… thì có nên hay không? Ừ thì đúng là những người vượt biên kia đã sai khi chọn con đường đó để tìm cơ hội đổi đời, tìm một giấc mơ giàu sang bằng con đường bất hợp pháp. Thế nhưng trong câu chuyện này, đúng – sai không phải thứ duy nhất mà mọi người đánh giá sự việc. Ngay cả người dân Anh đã đặt hoa tưởng niệm, Thủ tướng Anh viết sổ tang bày tỏ niềm xót thương, Cảnh sát Anh cúi đầu khi xe chở thi thể các nạn nhân đi qua… còn mọi người thì đang lên mạng cãi nhau chuyện đúng – sai, gièm pha những nạn nhân và gia đình có người mất tích ấy.
Không ai sung sướng khi từ bỏ quê hương đất nước, cũng không phải là họ không biết rủi ro, bởi trong tin nhắn của Trà My gửi về cho mẹ cũng đã bộc lộ cái điều cô đã cảm nhận trước khi đi ở cái ý “…không thành công rồi”. Nên giấc mộng đổi đời bất hợp pháp của người dân tuy đáng thương nhưng cũng đáng trách.
Chắc chắn đây không phải là một vài trường hợp đơn lẻ hay lần đầu tiên người dân ở đây vượt biên kiểu này. Thế nhưng việc nhiều người bỏ xứ theo hình thức bất hợp pháp trong những năm qua có phải một phần là từ phía chính quyền địa phương? Bởi không thể có chuyện người dân nơi họ quản lý vượt biên, đi khỏi nơi cư trú mấy năm trời mà chính quyền cơ sở không hay biết. Trong khi người dân nơi đây chỉ sống dựa vào nghề nông, cực khổ, thì một số gia đình không làm gì lại xây nhà cao cửa rộng, mua sắm xe sang, mà lãnh đạo địa phương không đặt câu hỏi họ lấy tiền ở đâu để tiêu xài thoải mái như vậy? Họ không biết hay biết mà cố tình lờ đi bởi những ngôi nhà lầu khang trang mọc lên sẽ khiến địa phương “khởi sắc” hơn?
Thiết nghĩ, nếu lãnh đạo địa phương có chính sách xã hội tốt, tạo điều kiện, mời gọi các nhà đầu tư để tạo công ăn việc làm, giữ chân những thanh niên trẻ; hay cán bộ địa phương chú trọng công tác tuyên truyền để bà con không bị lọt vào những cạm bẫy của bọn buôn người giăng ra… thì sẽ không còn tình trạng người dân đánh liều sinh mạng bởi những kẻ buôn người.
Nói đi thì cũng nói lại, nếu như cán bộ địa phương đưa ra nhiều giải pháp, giúp người dân mưu sinh, song những thanh niên nơi đây vẫn khao khát, mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn thì sao? Khát vọng đổi đời của con người là lớn vô cùng, cho nên hiếm có ai bằng lòng với cuộc sống mà mình đang có mà người ta phải tìm cách để cuộc sống khá hơn. Đó là nguyện vọng chính đáng.
Thế nhưng, mong rằng những gia đình có ý định vượt biên hãy ngưng ảo tưởng, và tin vào những lời mật ngọt rót vào tai của những kẻ buôn người tỉ tê rằng nộp tiền qua tây sẽ được đổi đời. Ở đâu cũng vậy, phương tây không phải là cái cây hái ra tiền, và chỉ khi bạn đi tới nơi mới vỡ mộng cũng đã muộn màng. Ngay đến những con người được ăn học đàng hoàng, có bằng cấp, sang Anh, Mỹ, Đức… còn phải vật lộn sinh sống ở xứ người, đằng này những người dân nghèo, không có giấy tờ, không bằng cấp thì sống sẽ ra sao? Hãy từ bỏ con đường làm giàu nhanh để rồi sống cuộc sống chui rúc, để cho kẻ xấu thỏa sức kiếm tiền trên thân xác của mình! Bởi cái giá phải trả không chỉ bằng tiền, mà chính là sinh mạng!
Thế Khoa