Nghĩ về những lời “hăm dọa” vô lối của Trung Quốc
Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nếu ai đó nghĩ Việt Nam dựa vào nước này để chống nước kia, tức là “khẩu súng” của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, hoặc Việt Nam được bảo vệ bởi “áo giáp” mang tên Trung Quốc là sai lầm.
Lời “hăm dọa” vô lối của Trung Quốc
Suốt thời gian qua, Việt Nam đã chịu đựng sức ép liên tục của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, tuy nhiên Hoa kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump lại bộc lộ quan điểm ủng hộ Việt Nam và phản đối Trung Quốc một cách mạnh mẽ nhất.
Cùng với việc tàu chiến của Mỹ tăng cường hiện diện và hoạt động ở khu vực Biển Đông, phía Mỹ muốn cho thấy những điều chỉnh quan điểm chính sách mới của Mỹ về Trung Quốc liên quan đến khu vực này không chỉ là tuyên bố suông. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo là người tuyên cáo những điều chỉnh chính sách quan trọng này.
“Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp” – Ông Pompeo cho biết.
Thông điệp của ông Pompeo rất rõ ràng và cụ thể: “Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có và chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới cho rằng Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp của họ… Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù tại các thể chế đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể”.
Đây là lần đầu tiên phía Mỹ công khai bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông, công khai xung khắc quan điểm trực tiếp và hoàn toàn với Trung Quốc về điểm cốt lõi nhất trong chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Chả thế mà, Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến viết bài nói rằng: “Chúng tôi sẽ phản đối việc sử dụng quan hệ Việt–Mỹ để chống Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào… Việc Mỹ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là có mục đích “ly gián quan hệ Trung– Việt”, cũng như nhằm biến Việt Nam thành “con cờ phục vụ cho chiến lược Mỹ chèn ép Trung Quốc”.
Theo đó, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo mối quan hệ chiến lược Việt-Mỹ mà Hà Nội đang xây dựng, nói rằng Việt Nam sẽ “trắng tay” nếu sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Biển Đông tạo thêm căng thẳng hay phá vỡ sự cân bằng của mối quan hệ Trung-Việt-Mỹ.
“Hà Nội hy vọng sẽ đu dây theo Washington để tăng cường sức mạnh chiến lược ở Biển Đông. Đây là một lựa chọn chiến lược mà Việt Nam đưa ra trước nhu cầu về sức mạnh quốc gia và tình hình khu vực. Nhưng nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn những gì nước này có được” – bài báo viết.
Việt Nam không phải là “quân cờ” của bất kỳ cường quốc nào
Lịch sử loài người có một dẫn chứng trong Thế chiến II, khi Anh Pháp Mỹ đứng cùng phe với Liên Xô để chống lại phe phát xít. Lúc đầu có đắn đo nhưng về sau vì quyền lợi chung nên các nước đó đã chấp nhận.
Về nguyên tắc, nếu hai bên cùng bị một bên thứ ba gây thiệt hại thì có thể cùng nhau hợp lực tạm thời để chống bên thứ ba. Về mặt lý thuyết, trường hợp Mỹ và Việt Nam cũng có thể xem như vậy. Việt Nam bị Trung Quốc o ép trên Biển Đông, Mỹ bị ảnh hưởng đến tự do hàng hải, vậy thì hai bên có thể hợp lực để chống lại Trung Quốc cũng không có gì là quá khó hiểu.
Dĩ nhiên, là Việt Nam – chúng ta phải đặt lại vấn đề. Hiện có hàng trăm cuộc tranh chấp lãnh thổ, biển đảo trên thế giới. Nhưng tại sao ngay lúc này và bây giờ người Mỹ mới phát ra tiếng nói chính thức tại Biển Đông – nơi “có ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ” Việt Nam và láng giềng phương Bắc?.
Dân tộc ta suốt 4.000 năm tồn tại, trải qua hàng trăm cuộc chiến sống còn nhưng chưa bao giờ có hiện tượng có một quốc gia nào đó đứng ra giúp chúng ta lấy lại chủ quyền độc lập, nếu có cũng đầy ý đồ. Lần này cũng vậy thôi, không hề ngoại lệ! Đó là quan điểm bản lề để ứng xử với mối quan hệ Mỹ-Trung sau này.
Nhưng cũng từ lịch sử, rất rất nhiều lần cha ông ta “chọn đúng thời điểm” để phất cờ. Lần gần nhất là Cách mạng Tháng Tám (1945) “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bác Hồ đã giải phóng dân tộc ngay thời khắc Nhật hàng, Pháp chạy, quân đồng minh chưa kịp vào tiếp quản! Liệu bài học này có tác dụng gì không trong bối cảnh Biển Đông hiện nay?
Đúng là, vấn đề Biển Đông, trên một số trang mạng xã hội facebook xuất hiện những quan điểm sai trái, thù địch của một số người tự xưng là “người yêu nước”, “nhà dân chủ”, “học giả”… dưới các hình thức “lời kêu gọi”, “tư vấn”, “phản biện”, “kiến nghị”, “góp ý”… nhằm phê phán, bác bỏ đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Họ cho rằng: Nếu Đảng, Nhà nước vẫn “kiên định”, vẫn “khăng khăng” giữ chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) như thế là “dân đi một đường, Đảng đi một nẻo”..v..v.
Thế nhưng, những nhà “rân chủ” ấy lại cố tình lờ đi một thực tế là quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới đang theo hướng đa phương và đa dạng hóa các quan hệ. Ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Bằng tinh thần độc lập, tự chủ ấy, cùng với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách, đang phát huy hiệu quả vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như: góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng chống dịch COVID-19, thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên…v..v.
Nói cách khác, công tác đối ngoại của Đảng cùng ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa đã tạo nên những thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao, góp phần tạo nên môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Thế nên, không có gì lạ khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phản bác lại bài báo của ông Hồ Tích Tiến, rằng: “Trong một thế giới hội nhập phát triển như ngày nay, Việt Nam cho rằng việc các quốc gia thể hiện thiện chí và phát triển quan hệ hữu nghị với nhau là xu thế tất yếu và đóng góp cho hòa bình, ổn định chung ở khu vực và thế giới“.
“Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi mong các nước chia sẻ quan điểm này của chúng tôi”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Có thể thấy, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nếu ai đó nghĩ Việt Nam dựa vào nước này để chống nước kia, tức là “khẩu súng” của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, hoặc Việt Nam được bảo vệ bởi “áo giáp” mang tên Trung Quốc là sai lầm.
Đó là hành động cố tình xuyên tạc, bịa đặt nhằm mưu đồ xấu, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, hòng làm cho tình hình thêm phức tạp mà thôi.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả