Nghĩ về ngôi nhà Panorama ở Mã Pì Lèng
Kêu gọi đập phá ngôi nhà Panorama ở Mã Pì Lèng thì dễ thôi, lại được tiếng bảo vệ thiên nhiên, nhưng liệu có giải pháp nào khác, nhân văn hơn?
Buổi tối cách đây vài năm, tôi có cuộc tranh luận với một nữ Việt Kiều về chủ đề khá gai góc: bảo tồn và phát triển. Tôi gặp chị tại một khu resort hoang sơ, nằm sâu trong rừng ở Quảng Bình. Chị vừa đi thăm các hang động về và tỏ ra khá bức xúc. Chị nói với giọng kiên quyết, Quảng Bình phải bảo tồn các hang động, không được làm các công trình nhân tạo trong hang, không cho xây dựng các khu resort tư nhân, không được xây các khu vui chơi,… Chị kể, ở Mỹ họ bảo tồn thế này, ở Úc họ bảo tồn thế kia… Tóm lại, Quảng Bình phải để cảnh quan càng hoang sơ càng tốt.
Tôi lại có ý kiến ngược lại. Tôi nói Quảng Bình cần thu hút thêm các doanh nghiệp, xây thêm các khu resort để thu hút/đáp ứng càng nhiều khách du lịch càng tốt, rằng nếu không có khu resort này thì những khách du lịch như chị nghỉ ở đâu. Tôi còn nhớ, chị một người đã từng đi khám phá rất nhiều vùng hoang vu trên thế giới – phản ứng mạnh đến mức bỏ đi.
Chị không biết, trước đó tôi đã đi phỏng vấn nhiều người địa phương làm trong và ngoài khu resort. Họ kể, thanh niên trai tráng địa phương đều là lâm tặc, sống bám vào rừng. Nhưng rồi rừng đã kiệt quệ, không còn chặt được cây gì, không bắt được con gì. Kiểm lâm làm ngày càng gắt, có mấy người bị đi tù nên họ không dám “đi rừng” nữa. “Không có việc làm ở đây thì chúng tôi vẫn phải đi rừng thôi, nhưng phải đi sâu vào nữa, mất cả tuần trời, vì không biết làm gì nữa”, người ta nói với tôi. Khi đi ra bến đò để vào hang, tôi gặp hàng trăm phụ nữ địa phương làm nghề chụp ảnh, một công việc mà thu nhập không đáng là bao khi ai ai cũng có điện thoại. Nói thế để thấy nhu cầu công ăn việc làm, kế sinh nhai của người dân địa phương bức bách như thế nào.
Bảo tồn và phát triển là chủ đề gây tranh luận liên tu bất tận, cả thế giới và cả ở Việt Nam. Nhưng “rừng vàng, biển bạc” mà người dân không có việc làm thì họ chả phá tan hoang, còn đâu vàng hay bạc; mà “vàng” hay “bạc” cũng để làm gì?
Khi nhìn Panorama ở Mã Pì Lèng, cảm giác đầu tiên của tôi là như cây đinh chọc vào mắt, thật khó chịu, thật bức xúc. Nó phá vỡ một cảnh quan kỳ vĩ. Nhưng nói thật, khi nghe bà chủ nói trong nước mắt lưng tròng, khi nghe chính quyền Hà Giang phân bua, cảm giác của tôi dịu đi, dù vẫn vương vấn hình ảnh khu nhà trong đầu.
Chợt nhớ, một lần lên Hà Giang, khi đi sâu vào bản mà thực ra là các ngôi nhà cô độc, chênh vênh tôi chứng kiến hai đứa trẻ bê bết bùn đất, mặc độc cái áo trong cái lạnh cắt da, đang tranh ăn với lợn. Chúng đang bốc ăn cái gì đó trong bát để dưới đất thì con lợn xộc đến, hẩy chúng ngã nhào và ăn hết. Nhìn hai đứa trẻ mếu máo, trơ khấc, bạn không thể kìm lòng. Ngay phía sau chúng là vực đá sâu thẳm, hun hút. Người dân chúng ta vẫn đang sống một cuộc sống như cách đây hàng trăm năm.
Kể lại câu chuyện đó để thấy, người dân Hà Giang cũng cần phát triển như thế nào. Các đồng bào dân tộc miền núi cũng cần và xứng đáng có một cuộc sống vật chất như những người dưới xuôi chúng ta chứ. Nhưng cơ hội của họ ở đâu khi xung quanh chỉ có núi đá, và không ít người vẫn phải gùi đất lên các hẻm núi để trồng trọt, lấy cái ăn qua ngày? Ruộng bậc thang rất đẹp nhưng cho khách du lịch chụp ảnh chứ giá trị kinh tế là bao. Cũng cần lưu ý, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo bậc nhất và cũng là “tiền đồn” của đất nước.
Làm cách nào để họ bớt nghèo, để họ sống được bằng những giá trị như Mã Pì Lèng, giờ đã nổi danh cả nước? Tôi tin đó chính là du lịch, một ngành du lịch nhân văn, nơi người dân địa phương phải có phần, phải được tham gia vào nhiều công đoạn, như những người dân ở Quảng Bình tôi gặp, thay vì ngược lại, họ bị dồn đuổi vào sâu hơn, lên cao hơn, bị bỏ lại phía sau của phát triển.
Panorama sai thì sai rồi, cả bà chủ lẫn chính quyền địa phương nữa (tôi tin chính quyền ủng hộ dự án đó cũng vì muốn dân khá giả lên, chứ không phải chuyện sân trước, sâu sau); nhưng thử hỏi có ai, cái gì ở đất nước đang chuyển đổi này đúng hết?
Liệu cả bà chủ nhà và cả những người đại diện cho chính quyền địa phương có cơ hội để “sửa sai”? Và, thậm chí táo bạo hơn, để từ đó có một cộng đồng du lịch nho nhỏ quanh Mã Pì Lèng, nơi những người dân tộc địa phương có cơ hội việc làm, bán được các sản phẩm, còn khách du lịch có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ đó thuận lợi hơn, tiện nghi hơn.
Kêu gọi đập phá thì dễ thôi, lại được tiếng bảo vệ thiên nhiên, nhưng liệu có giải pháp nào khác, nhân văn hơn? Liệu có ai đó, những kiến trúc sư, những người yêu thiên nhiên, những nhà hảo tâm, và kể cả những người phản đối cực đoan nhất … giúp họ cả bà chủ nhà lẫn chính quyền địa phương?
Còn tôi sẽ quay lại Mã Pì Lèng và hi vọng sẽ có cơ hội uống một chén rượu ngô nóng trong ngôi nhà đó đã được trang trí lại xanh hơn, hài hòa hơn, thiên nhiên hơn.
Tư Giang/Vietnamnet