+
Aa
-
like
comment

Nghĩ về giải pháp “thuận thiên”

26/09/2020 11:32

Câu chuyện bắt cây ra quả “trái vụ nghịch mùa” của một hộ nông dân làm ăn khấm khá tại “vựa sầu riêng” Cai Lậy của Tiền Giang sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới khi mà xâm nhập mặn càng gay gắt hơn. Câu chuyện này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới về cách chúng ta thích ứng, “sống chung với hạn mặn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm mô hình trồng sầu riêng của ông Mai Văn Âu – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chuyến công tác tại “thủ phủ trái cây” vùng ĐBSCL của Thủ tướng vào giữa tuần qua, đúng lúc vùng này đang trong mùa mưa. Người nông dân vừa “thở phào” sau đợt hạn mặn được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong lịch sử, bắt đầu từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, chưa kịp thở thì cả vùng đã vội lo cho đợt hạn tới với dự báo đến sớm hơn trung bình nhiều năm từ 1 đến 2 tháng và độ gay gắt chưa có dấu hiệu suy giảm. Có khả năng từ giữa đến cuối tháng 12/2020, ranh mặn 4 g/l ảnh hưởng sâu từ 20 đến 30 km ở khu vực các cửa sông Cửu Long (theo kịch bản thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn kịch bản cao là từ 30-40 km).

Chung nỗi lo này, Thủ tướng cho biết, cuộc làm việc với các địa phương ĐBSCL về phòng chống hạn mặn cho mùa khô 2020-2021 vừa diễn ra vào ngày 23/9 tại Tiền Giang trùng với thời điểm của hội nghị tương tự vào năm ngoái cũng tại tỉnh mang tên sông Tiền. Việc tổ chức một hội nghị lớn về chống hạn lại vào mùa mưa nghe có vẻ “bất thường” nhưng theo Thủ tướng, là để “chớp thời cơ”, khi ông trời vẫn còn cho nước để tích trữ và cho thời gian để chuẩn bị ứng phó. Đây từng là bài học quý giá từ mùa khô năm ngoái khi Thủ tướng sớm chủ trì một hội nghị chống hạn ĐBSCL vào tháng 9/2019. Nhờ chuẩn bị sớm như vậy, ĐBSCL đã vượt mùa hạn mặn nhất lịch sử với mức thiệt hại được giảm thiểu, chỉ bằng khoảng 7-8% so với mùa hạn 2015-2016.

Làm giàu từ “nghịch vụ”

Trước cuộc họp với các địa phương ĐBSCL, Thủ tướng đã đến thăm mô hình trồng sầu riêng của một hộ nông dân xã Hiệp Đức, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nếu Tiền Giang là “thủ phủ sầu riêng” của cả nước (với diện tích hơn 14.000 ha) thì Cai Lậy là “thủ phủ sầu riêng” của Tiền Giang (diện tích hơn 10.500 ha).

Đón Thủ tướng tại vườn trái cây rộng 4.000 m2 của mình, ông Mai Văn Âu đã “khoe” về ngôi biệt thự vừa mới xây, tốn hơn 3 tỷ đồng sau những năm “được mùa, được giá”. Cây sầu riêng đã mang về niềm vui chung cho nông dân cả huyện Cai Lậy trong thời gian qua. Nằm ở phía thượng lưu sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy nổi tiếng quanh năm trái ngọt cây lành; là vựa lúa, vựa trái cây đặc sản và nhiều nguồn nông sản hàng hóa có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu khác. Gần đây, biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động mạnh đến địa bàn mà điển hình trong mùa khô 2019-2020, huyện Cai Lậy lần đầu tiên đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ có những giải pháp phù hợp, nhất là chuẩn bị sớm, nhiều diện tích sầu riêng đã được cứu sống kịp thời, thu nhập của người dân có giảm so với mọi năm nhưng không quá nặng nề.

Ông Mai Văn Âu cho biết, huyện, xã đã thuê sà lan chở nước ngọt từ nơi khác về phục vụ cho bà con có nước sinh hoạt và tưới vườn cứu cây ăn trái, “bà con rất mừng”. Được biết, xã Hiệp Đức đã cấp trên 26.000 m3 nước ngọt cho người dân tưới sầu riêng, loài cây dễ mẫn cảm mạnh với hạn, mặn, mức độ chịu mặn không cao hơn 0,5 g/l.

Còn về phần mình, ông Mai Văn Âu dự kiến, sẽ dành khoảng 500-700 m2 trong vườn để đào mương trữ nước. Điều quan trọng, ông đã tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm qua để tranh thủ xử lý cả vườn sầu riêng ra trái vụ. Dự kiến 2 tháng nữa, vườn cây của ông sẽ cho trái trong khi dự báo đến giữa tháng 12/2020 mới bắt đầu xuất hiện hạn mặn. “Mình thu hoạch trước mặn cho đỡ”, ông chia sẻ. Tuy nhiên, vườn cây của ông, mặc dù nằm cách cửa nhánh sông hơn 5 km, đã lần đầu tiên gặp hạn mặn trong mùa khô vừa qua. 30% diện tích trồng cây bị ảnh hưởng (bị suy yếu) nhưng không có cây nào chết. Những cây “ốm” thì vụ sau ông sẽ không nôn nóng bắt cây ra trái mà chỉ dưỡng cây, chịu thất thu một khoản. Mỗi cây trưởng thành có thể cho hơn 60 trái, mỗi trái nặng 3 kg và mỗi kg có giá hơn 60.000 đồng, như vậy, mỗi cây thu về hơn 10 triệu đồng. Theo ông Âu, mức độ ảnh hưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với các nơi, có hộ dân bị thiệt hại đến 60%. “Bình thường, một cây sầu riêng, 3 ngày tưới một lần, mỗi lần khoảng 50 lít nước. Khi có hạn mặn, thì tôi tưới nhỏ giọt, mỗi lần khoảng 10-20 lít nước để cầm cự”, ông nói.

Sau khi giới thiệu với Thủ tướng về vườn cây “nghịch vụ”, ông Âu mời Thủ tướng về thăm ngôi nhà “bạc tỷ” của mình nằm sát đường cái, mời Thủ tướng dùng thử sầu riêng. Tại đây, đã có một số hộ nông dân trong vùng ngồi đợi. Ông Mai Vân Âu chia sẻ tiếp câu chuyện, ngôi nhà mới hoàn thành năm ngoái, tốn hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu nhờ làm sầu riêng nghịch vụ. Giá sầu riêng mùa nghịch dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi ha người nông dân có thể thu về 1,1 tỷ đồng một năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí. “Hiệu quả kinh tế rất cao”, ông Âu chia sẻ. Chỉ cần 3 năm tích góp là có một ngôi nhà to.

Nhưng từ khi có hạn mặn, bà con gặp khó khăn hơn. Với vườn cây 4.000 m2 của mình, bình thường ông Âu thu về khoảng 600 triệu đồng trong khi chi phí bỏ ra khoảng 120 triệu. Nay có hạn mặn, ông phải bỏ thêm 80 triệu đồng để chăm sóc cây. Ông mong muốn Nhà nước làm cửa ngăn mặn ở cửa sông giúp bà con, đây là điều cần thiết và lâu dài.

Chia sẻ tâm tư với bà con, vào buổi chiều hôm đó, Thủ tướng đã đưa câu chuyện của ông nông dân Mai Văn Âu ra cuộc họp với các địa phương ĐBSCL về chống hạn mặn mùa khô 2020-2021.

 

Đến thăm cơ ngơi của gia đình ông Mai Văn Âu, Thủ tướng tặng máy lọc nước cho một số nông dân trồng sầu riêng – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Câu chuyện thích ứng, sống chung với hạn mặn

Nếu chúng ta chủ động ngay từ đầu thì tình hình thiệt hại do hạn mặn sẽ giảm thiểu, Thủ tướng đặt vấn đề ngay khi khai mạc cuộc làm việc, bằng mọi cách chúng ta phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra. Không để nước mặn quá sâu thì cần biện pháp nào về mặt thủy lợi.

Người đứng đầu Chính phủ đã quán triệt: “Chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế, từ nay phải là câu chuyện bình thường trong đời sống của ĐBSCL”.

Thực vậy, nghị quyết “thuận thiên” (Nghị quyết 120) cho ĐBSCL đã khuyến khích cách tiếp cận thích nghi với hiểm họa tự nhiên và chuyển đổi dần dần, tránh những can thiệp thô bạo để phải trả giá đắt.

Mặc dù xây dựng công trình là cần thiết nhưng kinh nghiệm quốc tế và trong nước chỉ ra rằng, để sống chung với thiên tai cần triển khai những giải pháp phi công trình khác. Điều này bao gồm các thực hành tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu và mô hình sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ để thích nghi và tăng sức chống chọi.

Thực tế, qua bao nhiêu năm, người dân trong vùng hiểu rằng cần thích nghi với tự nhiên để sống. Trồng lúa không còn là sinh kế duy nhất. Không chỉ mô hình “trái mùa nghịch vụ”, từ vài năm nay, nhiều hộ gia đình ở các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng mô hình “tôm-lúa”, sử dụng các giống lúa chịu mặn xen kẽ với thả tôm sú, tôm thẻ trên cùng thửa nước. Điều này đã đem lại hàng trăm tỷ đồng thu nhập mỗi năm cho các hộ gia đình. Các mô hình tương tự “lúa-cá”, “lúa-sen-du lịch” cũng được triển khai ở nhiều nơi và đang tăng quy mô. Một số trang trại, vườn cây đã chủ động lắp đặt các hệ thống tưới nước tự động, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt để giảm lãng phí nước trong mùa khô. Điều quan trọng, nhiều hộ đã chuyển từ việc nuôi trồng lấy năng suất sang nuôi trồng tạo giá trị, làm ít hơn nhưng có chất lượng hơn để bán giá gấp đôi gấp ba, đồng thời dấn thân vào các chuỗi giá trị một cách hiệu quả hơn.

Từ cuộc làm việc với các địa phương ĐBSCL và chuyến khảo sát mô hình sản xuất của một hộ nông dân tại Cai Lậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các giải pháp “thuận thiên”. Phải có quy hoạch tổng thể vùng này để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm. Đó là việc Bộ KH&ĐT phải khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2020. Bộ NN&PTNT phải chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất (đẩy sớm thời vụ), chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp (giảm diện tích lúa như thế nào) để hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Cuộc làm việc kết thúc vào chiều muộn, Thủ tướng khẩn trương rời hội trường, lên đường trở lại TPHCM trong cơn mưa nặng hạt để kịp chuyến bay trong tối về Hà Nội, chuẩn bị cho các công việc bộn bề khác, gửi gắm niềm tin đối với lãnh đạo các địa phương ĐBSCL sẽ cùng một ý chí, quyết tâm hành động, làm sao cuộc sống người dân bớt khổ vì thiên tai, không phải “thức cả đêm để lấy một xô nước, can nước”.

Đức Tuân/VGP

Bài mới
Đọc nhiều