Nghĩ về công tác dân vận trong đại dịch Covid-19
Một xã hội muốn phát triển phải có sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống nhà nước, của Đảng với nhân dân. Chính vì vậy mà trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò, vị trí và khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, muốn chiến thắng dịch bệnh, công tác dân vận tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn rất quan trọng.
Công tác dân vận trong thời đại dịch Covid-19 là một con đường rất quan trọng giúp người dân hiểu đúng và nhận thức rõ về sự nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó có biện pháp tự bảo vệ bản thân phù hợp. Thực tế, hiện nay có nhiều người dân vẫn còn thiếu ý thức phòng dịch như một quán bar ở phố cổ đã mở cửa tới 1 giờ sáng bất chấp lệnh cấm của thành phố để phòng, chống dịch Covid-19, một người đàn ông ở cùng chung cư với bệnh nhân Covid-19 số 714 (tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã bỏ trốn khi lực lượng chức năng cách ly chung cư…
Thực tế, một người thiếu ý thức, để lây lan dịch bệnh cho cộng đồng thì hao tổn của xã hội không thể tính bằng tiền. Do đó, công tác dân vận giúp họ nhận ra, hiểu đúng sự nguy hiểm của dịch bệnh là rất cần thiết. Đặc biệt thời điểm tâm lý người dân hoang mang, thậm chí, nhiều người nghĩ rằng tất cả người đi từ vùng dịch về đều nguy hiểm, xa lánh thì cán bộ dân vận sẽ là người làm công tác tư tưởng, giải thích cũng như hướng dẫn người dân hiểu đúng vấn đề giúp họ yên tâm. Họ chính là một trong những lực lượng trực tiếp tăng cường nắm tình hình, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội; các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình; kịp thời phát hiện, đấu tranh với các đối tượng đưa thông tin không chính xác về dịch bệnh…
Đúng như lời dạy của Bác, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, do đó để cuộc chiến Covid-19 đi đến thắng lợi, những cán bộ dân vận phải căng sức mình hơn nữa tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng và nhà nước. Đồng thời huy động đóng góp của Nhân dân, các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, qua đó “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chung sức, đồng lòng đẩy lùi “giặc” Covid-19. Bên cạnh đó là tìm tòi những cách làm mới có hiệu quả hơn, có sức hút hơn để hoàn thành tốt công tác dân vận.
Trong đợt dịch lần trước và đợt dịch lần này, chúng ta thường thấy hình ảnh những người cán bộ đến từng nhà người dân tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở chấp hành nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch; hỗ trợ người dân khai báo y tế, trực chốt kiểm tra thân nhiệt khu vực tập trung đông người… Không chỉ vậy, đối với những hộ cách ly, họ quan tâm, giúp đỡ những việc thiết yếu hàng ngày; hỗ trợ mua giúp thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, giữ được tâm lý thăng bằng cho người dân, hướng dẫn khử trùng nhà cửa. Đó chính là hình ảnh đẹp của công tác dân vận trong mùa dịch.
Thiết nghĩ hiện nay khi tình hình dịch bệnh quay lại với diễn biến hết sức phức tạp, công tác dân vận cần phát huy hơn nữa sức mạnh, khả năng của mình tăng cường vận động Nhân dân thực hiện cùng lúc nhiệm vụ phòng, chống dịch gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, thường xuyên sâu sát, gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân; phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân trước khi quyết định các chủ trương lớn của địa phương, góp phần củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa Nhân dân với tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền các cấp. Những việc tuy nhỏ bé nhưng mong sẽ góp được một phần vào cuộc chiến chống dịch để nước ta chiến thắng đại dịch.
Đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động đồng bào ở khu vực dân thộc thiểu số (DTTS) miền núi phòng chống dịch Covid -19. Họ là những đối tượng tiếp cận thông tin khó khăn hơn so với đồng bào các tỉnh thành khác, do vậy công tác dân vận vô cùng quan trọng trong việc giúp người dân nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của nạn dịch và cách phòng, chống dịch bệnh, tự nâng cao ý thức phòng dịch bệnh theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế; tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng dân cư; không tuyên truyền các thông tin không đúng về dịch bệnh; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan y tế tại địa phương. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, góp phần chung tay cùng Chính phủ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả