+
Aa
-
like
comment

Nghị quyết “thuận thiên” và tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long

Diệu Hương - 16/03/2021 10:46

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành năm 2017, thường được gọi với cái tên là Nghị quyết “thuận thiên”, theo tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt Nghị quyết. Trong những năm qua, việc ban hành và triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách và đạt nhiều kết quả trong thực tế.

Nghị quyết 120/NQ-CP còn được biết đến với cái tên Nghị quyết "thuận thiên".
Nghị quyết 120/NQ-CP còn được biết đến với cái tên Nghị quyết “thuận thiên”.

Những kết quả quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP trong 3 năm qua được thể hiện là: Từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục chủ trì nhiều diễn đàn quan trọng nhằm tìm ra giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL, khu vực 20 triệu dân của vùng đất chín rồng, vựa lúa gạo, cây trái, thủy hải sản lớn nhất cả nước và xuất khẩu nhưng lại dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Có thể kể đến Diễn đàn ĐBSCL 2016, diễn đàn phát triển ngành tôm tại Cà Mau cũng như khảo sát các vùng trồng lúa và cây ăn quả giá trị cao, khảo sát địa hình toàn vùng từ trên cao…

Đặc biệt, giữa năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hà Lan và một trong những nội dung quan trọng của chuyến thăm là nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm về ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng trăn trở: “Tại sao vùng Amsterdam là cụm cảng trung chuyển lớn của Châu Âu và thế giới? Vùng ĐBSCL có thể học hỏi được gì từ thực tiễn tại Hà Lan?”

Đó là những bước chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, tâm huyết và trách nhiệm của Chính phủ để ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP và được giới chuyên môn đánh giá là “nghị quyết vàng” mang tính đột phá, có ý nghĩa lịch sử, mang lại sự đồng thuận đầy cảm xúc cho những người hiểu, gắn bó, tâm huyết với vùng ĐBSCL. Bởi Nghị quyết đã định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể, đồng thời tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, thịnh vượng. Nghị quyết đã lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác làm triết lý phát triển. Hơn thế, nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”. Từ chỗ tư duy vùng đất chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, bị ngập mặn gặp khó khăn trong sản xuất chuyển sang coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên và chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp. Từ chỗ sản xuất chủ yếu dựa vào các ưu đãi của thiên nhiên sang ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, hình thành các chuỗi giá trị. Từ chỗ liên kết còn lỏng lẻo chuyển sang “muốn đi xa phải cùng đi” dựa trên quy hoạch vùng và cơ chế điều phối vùng trên cơ sở điều tra xây dựng dữ liệu số về độ cao, bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang năm 2017.

Và chính tư duy “thuận thiên” nên dù vào năm 2020, ĐBSCL vẫn chịu ảnh hưởng của các đợt mặn xâm nhập đến khốc liệt, người dân vẫn có một vụ thu hoạch được mùa, được giá. Gần 3 năm triển khai Nghị quyết, vùng ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình sáng kiến hay, như mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh ở Kiên Giang; mô hình nuôi cá tra; mô hình nuôi tôm nước lợ; mô hình hợp tác kinh tế theo chuỗi, liên kết theo chuỗi giá trị ở Cà Mau, Bạc Liêu. Đó còn là mô hình du lịch sinh thái của An Giang; mô hình lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu của Bến Tre…

Những kết quả trên là tín hiệu tích cực đầu tiên của việc triển khai Nghị quyết “thuận thiên”, là dấu ấn, động lực, niềm tin để cho thấy những bước đi đúng hướng. Song vẫn còn đó những nút thắt cần tháo gỡ, như hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư của vùng. Kết nối nội vùng, liên vùng, đặc biệt là việc kết nối với TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ còn kém phát triển, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tạo rào cản trong việc kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, vùng ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng đã và đang đè nặng lên “vùng đất chín rồng”…

Do vậy cần có những biện pháp và sớm triển khai để hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực và ngoài khu vực ĐBSCL. Và đặc biệt là cần sớm có những công trình dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều