Nghị quyết 98: Con tàu đã đến lúc tăng tốc
Sau hơn 2 tháng triển khai, Nghị quyết 98 đã cho những kết quả ban đầu, không chỉ về thể chế mà có cả những dự án thiết thực, hứa hẹn mang lại bộ mặt hoàn toàn mới cho đầu tàu kinh tế của cả nước.
Về mặt thể chế, Nghị quyết đã mang lại những thay đổi quan trọng tại TP. Thủ Đức, trong đó có việc thành lập Sở An toàn Thực phẩm, cơ chế tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP. Thủ Đức,
TP. Thủ Đức cũng đã thành lập Trung tâm Phát triển Quỹ đất để quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo nguồn quỹ đất sạch để đấu giá và thu thập nguồn lực đầu tư phát triển. Ngoài ra, HĐND TP. Thủ Đức đã tổ chức lại chức năng và nhiệm vụ của các ban trực thuộc và thành lập Ban Đô thị theo cơ chế và chính sách được quy định trong Nghị quyết 98.
Về huy động nguồn lực phát triển, từ nội dung Nghị quyết 98, TP.HCM cũng đã thông qua việc triển khai 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) sẽ triển khai trong giai đoạn 2023-2028 với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng.
Đó là là Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,9 km sẽ được mở rộng lên 53 – 60 m với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.800 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ góp vốn từ nhà đầu tư là 50% tổng mức đầu tư.
Dự án thứ hai là mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km, sẽ được mở rộng lên từ 52 – 60 m với tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.
Dự án thứ ba là mở rộng Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) dài 9,1 km sẽ mở rộng lên 60 m với tổng mức đầu tư lên gần 7.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 2.400 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.
Dự án thứ tư là dự án cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km có mặt cắt ngang rộng 30 – 40 m, với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 3.300 tỷ đồng. Dự án này được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 54% và doanh nghiệp tham gia 46%.
Dự án cuối cùng là trục đường Bắc – Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 8 km, được đề xuất mở rộng 60 m. Tuy nhiên, chưa có thông tin về tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ khơi thông các cửa ngõ vào thành phố. Các dự án giúp cải thiện năng lực thông hành, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường.
Bên cạnh đó, quyết định thông qua quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao, văn hóa; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch… hy vọng sẽ giúp thành phố có thêm nguồn thu và sử dụng đa dạng các nguồn lực xã hội cho thực hiện các dự án phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, có thể nói, việc triển khai Nghị quyết 98 tại TP.HCM vẫn chỉ là những bước đi ban đầu. Những mục tiêu vẫn còn ở phía trước và con đường vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại như những bất cập, không đồng nhất trong hệ thống pháp luật với nội dung Nghị quyết 98 hay sự thiếu hụt của nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 TP.HCM, cho rằng yếu tố con người là then chốt trong việc thực hiện Nghị quyết 98 bởi một trong những nguyên nhân làm kinh tế thành phố phát triển chững lại là do hệ thống công vụ bị trì trệ. Để thành phố phát triển, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết điểm nghẽn thủ tục hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định sự vào cuộc của hệ thống chính trị thành phố là yếu tố quyết định thành công Nghị quyết 98. TP.HCM đang khẩn trương xây dựng đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển.
Phát biểu tại kỳ họp thứ XI HĐND TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên từng HCM ví von Nghị quyết 98 như một con tàu mang số hiệu 98 và nhấn mạnh: “Thời gian qua chỉ mới khởi động, nay mọi phần việc đã sẵn sàng, con tàu đã ‘chất đầy hàng’ và sẵn sàng tăng tốc. Chúng ta ở trên con tàu cũ, những nhân viên cũ nhưng với tâm thế, khí thế mới. Con tàu đã được thay hộp số mới, động cơ mới, đường ray cũng thông thoáng hơn trước để vừa tăng tốc vừa vượt chướng ngại vật và chúng ta đang nỗ lực tiến về phía trước để hoàn thành trọng trách được giao trong vai trò đầu tàu, tiên phong của cả nước”.
Đồng thời, Bí thư cũng đề nghị trong quá trình triển khai, không nên bó phạm vi của nghị quyết 98. Theo ông, việc thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù này không phải là chỉ phát triển TP.HCM và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế cả vùng và thí điểm các cơ chế cho cả nước.
Đông Duy