Nghị định 64 là gì mà Thủ tướng yêu cầu thay thế?
Ngày 23/10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định mới. Như vậy, sau 12 năm áp dụng, Nghị định 64 sẽ sớm có “người thừa kế”, kết thúc những tranh cãi xung quanh quy định về quyên góp hỗ trợ đồng bào.
Thời gian qua, câu chuyện quyên góp từ thiện ủng hộ đồng bào bị bão lụt miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên được dư luận đặc biệt quan tâm. Người ta quan tâm không chỉ vì vợ chồng Thủy Tiên là những nhà hảo tâm nổi tiếng, từng làm rất nhiều chuyến đi từ thiện trên cả ba miền đất nước. Điều được đặc biệt quan tâm là số tiền hơn 100 tỷ mà Thủy Tiên quyên góp được từ các tấm lòng vàng. Vì số tiền khá lớn, có một luồng dư luận chất vấn về vấn đề pháp lý trong việc sử dụng, phân phối khoản cứu trợ gửi đến Thủy Tiên. Đặc biệt, có không ít người đã viện dẫn Nghị định 64/2008/NĐ-CP, và cho rằng đây là rào cản cho công tác từ thiện của các cá nhân, đoàn thể…
Vậy Nghị định 64 là gì, tại sao lại được Thủ tướng yêu cầu thay thế?
Ban hành vào tháng 5/2008, Nghị định 64/2008/NĐ-CP là nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng cũng được quy định theo Điều 1.
Nghị định 64 ban hành các quy định về nguyên tắc, cách thức tổ chức, các đơn vị thực hiện, thời gian cũng như trách nhiệm của các đơn vị vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp. Trong nghị định này, quan điểm của Nhà nước được thể hiện rõ ràng đối với đóng góp cứu trợ, tại Điều 2, Khoản 1: “Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.” Và tại Điều 3, Nhà nước nghiêm cấm hành vi “cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.”
Điều này cho thấy, mục đích ban hành của Nghị định không chỉ là để khuyến khích lòng nhân ái, mà tạo hành lang pháp lý để bảo vệ chính những người đang làm công tác thiện nguyện. Tuy nhiên, vấn đề được đề cấp đến những ngày qua nằm ở Điều 5, quy định về các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Theo đó, các đơn vị được phép tổ chức quyên góp bao gồm:
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận các cấp; các đơn vị, tổ chức trực thuộc Mặt trận.
2. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và các cấp địa phương; các đơn vị, tổ chức thuộc Hội Chữ Thập đỏ.
3. Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.
4. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Đáng nói, cũng trong điều 5 có quy định “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.” Đây là một trong những lý do Nghị định 64 được cho là tạo nên rào cản pháp lý đối với các cá nhân, đoàn thể từ thiện như trường hợp của Thủy Tiên, MC Phan Anh. Dù vậy, thực tiễn sau hơn 10 năm ban hành và áp dụng, không có trường hợp cá nhân hay đoàn từ thiện bị xử phạt theo Điều 5. Ngược lại, các hoạt động trên còn được khuyến khích, ủng hộ, được báo chí, truyền thông biểu dương, khen ngợi, theo tinh thần của Điều 2 và Điều 3 của Nghị định.
Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 64 tuy đã thực hiện được vai trò hành lang pháp lý và khuyến khích từ thiện, cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Hơn nữa, những năm qua có không ít đối tượng đã lợi dụng suy diễn, đặt điều về Nghị định 64. Bằng những luận điệu kiểu “quan tòa”, các đối tượng liên tục gán ghép tội danh cho các nhà từ thiện như Thủy Tiên, và “phán” luôn rằng Mặt trân Tổ quốc tìm cách ăn chặn số tiền cứu trợ 100 tỷ… Điều trớ trêu ở chỗ, tất cả những lời than vãn, quy chụp chỉ xuất phát một phía, còn chính quyền, lực lượng chức năng, hay Mặt trận không hề có một tiếng nói nào chỉ trích về việc làm của Thủy Tiên. Bấy nhiêu cũng đã đủ phơi bày một một vở kịch độc diễn lố bịch của những kẻ phá hoại, một hành động “gắp lửa bỏ tay người” thô thiển.
Xuất phát từ những vấn đề trên, ngày 23/10 vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo, giao Bộ Tài chính soạn thảo nghị định mới, vừa có thể kế thừa tinh thần của Nghị định 64, vừa khắc phục được những hạn chế đang tồn tại. Với sự ra đời của Nghị định mới, các cá nhân hẳn sẽ có được hành lang pháp lý vững chắc hơn cho công tác từ thiện, và quan trọng hơn, được bảo vệ tốt hơn trước pháp luật. Và cuối cùng, sự ra đời của Nghị định mới sẽ xóa đi “sân khấu” cho những “vở diễn quan tòa” của các phần tử chống phá, như chúng đã từng làm với MC Phan Anh, ca sĩ Thủy Tiên…
HẠNH VĂN