+
Aa
-
like
comment

Đến khi gặp nạn người ta mới “thấm đòn”

Han Cao - 15/07/2020 17:26

Vào tối ngày 10/7 vừa qua tại đường Trần Quốc Nghiễn, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra vụ tai nạn rất nghiêm trọng. Một người đàn ông lái xe lao xuống biển cùng vợ và các con của mình, anh là người duy nhất sống sót. Người đàn ông trước đó đã uống rượu say. Trên xe có 5 người, bao gồm cả vợ con anh và 2 người thân.

Sau cú lao xuống biển, chỉ còn một mình anh may mắn sống sót, những người thân của anh đều tử vong. Không thể ngờ được chỉ sau một đêm ngắn ngủi, sau một cuộc nhậu với những tiếng “1 2 3 dzô” liên tục, anh giờ đây đã mất hết mọi thứ. Công danh, sự nghiệp, tiền tài có nghĩa lý gì, gia đình và sinh mạng của người thân cũng không còn, kèm theo là nỗi ân hận, ám ảnh theo anh đến suốt cuộc đời. Anh thậm chí phải đối mặt với mức án hình sự hàng chục năm vì đã gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến cái chết của 4 người.

Sau một cuộc nhậu với những tiếng “1 2 3 dzô” liên tục, anh giờ đây đã mất đi những người thân quan trọng nhất của mình

Những lý do khách quan được đưa ra như trời mưa, không đèn, không rào chắn, thiếu biển cảnh báo, đường tối khó quan sát… nhưng điều quan trọng nhất là người lái xe, anh không đủ tỉnh táo để quan sát kĩ càng, điều khiển xe cẩn thận hơn, anh vẫn lái với tốc độ cao và đi xe ẩu vì sau cuộc nhậu đầu óc không còn tỉnh nữa. Với kết quả nồng độ cồn được đo là 0,9mg/l khí thở, tức là cao gấp đôi với mức xử phạt tối đa, tất cả là do cuộc nhậu chén chú chén anh đó. Đâu còn lý do nào có thể đưa ra lời biện minh cho lỗi lầm của mình. Điều đau khổ nhất là anh ta không chết, nhưng vợ con của anh đã vô tình bị chết bởi chính người bố, người chồng, trụ cột của gia đình.

Tác hại của bia rượu đối với an toàn giao thông

Thống kê của Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong năm 2019 có 800 ca nhập viện bị tai nạn giao thông do rượu bia, chiếm tỉ lệ 65% trên tổng số ca bệnh điều trị tại khoa. Ngay tuần đầu trong tháng 1 năm 2020, mỗi ngày đã có từ 2 đến 3 ca nhập viện bị tai nạn giao thông gây ra do rượu bia.

Tác hại của bia rượu đối với an toàn giao thông đã quá rõ ràng, biết bao nhiêu vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Không chỉ bệnh nhân mà đối với cả người nhà bệnh nhân cũng khổ sở theo. Trường hợp của anh Lê Văn Công, ở thị xã An Nhơn nhập viện Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng nửa đêm ngày 01/01/2020. Anh bị tai nạn giao thông do đi xe máy ngã trong tình trạng say rượu. Theo Bác sĩ Trương Kim Hùng, Phó khoa Ngoại chấn thương – Bỏng BVĐK tỉnh, anh Công vào viện trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, hỏi trả lời chậm, vùng đầu gối bên phải sưng nề bầm tím, vận động yếu, mất cơ năng hoàn toàn, vết thương bị dập nát, róc da toàn bàn chân, toàn bộ gân cơ chứa nhiều dị vật đất, cát. Bệnh nhân được tiến hành mổ ngay lập tức, xử lý vết thương ở bàn chân, vùng gối. Sau 1 tuần điều trị tại khoa, bệnh nhân đã tỉnh, trả lời bình thường, nhưng vết thương ở vùng gối còn sưng nề, bàn chân cần tiếp tục theo dõi. Hoàn cảnh gia đình anh Công cũng khó khăn, nên gia đình phải rất chật vật để trả viện phí, người thân thay phiên nhau trông bệnh nhân nên công việc kinh tế bị ảnh hưởng, kèm theo tâm lý lo lắng.

Tai nạn chỉ diễn ra chớp nhoáng vài giây nhưng  hậu quả để lại là vô cùng lớn. Nhẹ thì nhập viện, kéo theo là gánh nặng kinh tế và tinh thần cho gia đình, mấy đứa con nheo nhóc cũng phải theo lên viện với mẹ để coi bố, công việc bị trì trệ, những chấn thương có thể trở thành di chứng đến suốt cuộc đời. Nặng thì mất mạng, không những thế còn làm hại cả những phương tiện giao thông khác, làm chết người khác, làm người khác cũng khổ theo mà không sao đền trả được. Vài cốc rượu làm các anh các chú sung sướng trong giây lát nhưng rồi cũng quét sạch mọi thứ. Nếu để đánh đổi, mọi thứ phải trả quá đắt, ấy vậy mà vẫn không chừa. Cho nên, rất cần sự can thiệp của pháp luật để xử lý tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Quy định về xử phạt nồng độ cồn là rất cần thiết, đặc biệt là Nghị định 100

Luật Phòng chống tác hại rượu, bia năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, ban hành những quy định siết chặt hơn trong việc quản lý, mua bán và sử dụng rượu, bia. Theo quy định này, kể từ ngày 01/01/2020 chính thức công nhận hiệu lực của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó có tổng cộng 7 chương 36 điều quy định rõ ràng về biện pháp đưa ra nhằm giảm mức tiêu thụ rượu, bia. Đồng thời quản lý việc cung cấp rượu, bia, biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đáng chú ý, có 6 điểm mới tác động trực tiếp đến đại bộ phận người dân, như: chỉ người đi bộ mới được uống rượu, bia; cấm quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ trong khung giờ vàng; các cơ sở kinh doanh phải niêm yết không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; thông báo các hàng quán hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu, bia. Ngoài ra, không được mở mới các điểm bán rượu, bia gần bệnh viện, trường học và các gia đình phải có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở việc uống rượu, bia của các thành viên.

Cũng trong nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường sắt. Theo đó, nghị định cũng quy định xử phạt rõ ràng với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 2 đến 8 triệu đồng tùy mức độ vi phạm. Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô phạt từ 6 đến 40 triệu tùy theo mức độ vi phạm cụ thể. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ còn bị áp dụng hình phạt bổ sung: bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Có thể thấy sự nỗ lực của Nhà nước trong việc ngăn chặn và kiểm soát tai nạn giao thông do việc sử dụng bia rượu vượt quá nồng độ cồn cho phép. Còn nhớ khoảng 20 năm về trước, việc đội mũ bảo hiểm còn được xem là một điều “tùy hứng” của người tham gia giao thông, chỉ dừng lại ở khuyến khích. Khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với xe mô tô, xe gắn máy được thi hành cũng vấp phải sự phản đối của đông đảo người dân. Nhưng chúng ta đều thấy được nó cần thiết và hiệu quả như thế nào trong việc phòng chống tai nạn giao thông, cũng như sự nỗ lực của Chính phủ. Và lần này, đứng trước con số thống kê về số lượng vụ tai nạn giao thông xảy ra do bia, rượu, quy định về việc xử lý nồng độ cồn và hạn chế việc sử dụng, tiêu thụ rượu, bia là hoàn toàn hợp lý để răn đe, xử phạt những cá nhân còn chưa có ý thức về việc giữ gìn bản thân và an toàn khi tham gia giao thông.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều