+
Aa
-
like
comment

Nghèo nhưng lại muốn “chơi sang”?!

Bảo An - 27/09/2020 17:33

Gần đây, trên báo chí và các trang mạng xã hội đang tranh luận gay gắt về việc tỉnh Hòa Bình chi 11 tỷ đồng phục vụ công trình lắp dựng khẩu hiệu gồm 11 từ, tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi ông Tượng. Có lẽ, sau phong trào xây dựng tượng đài, làm cổng trào, các tỉnh lại đang xuất hiện “trend” (xu hướng) mới là xây dựng khẩu hiệu chào mừng?!

Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng thi công 11 chữ khẩu hiệu gây xôn xao

Theo thông tin đang được lan truyền trên nhiều trang báo, ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã ký quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu công trình “Lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực  đồi Ông Tượng” (thuộc phường Chăm Mát, TP Hòa Bình). Gói thầu có tổng giá trị gói thầu là 10,39 tỷ đồng, được lấy từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế. Sau khi thông tin được báo giới đăng tải, vô vàn ý kiến tranh luận đã được đưa ra. Có người ủng hộ, có người phản đối. Dĩ nhiên, ai cũng có lý do, lập luận riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, thông qua sự việc này, có lẽ chúng ta cần xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện về việc sử dụng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, thời điểm hiện tại liệu có phải là thời điểm phù hợp để chi tiêu ngân sách như trên hay không?

Miệng ăn núi lở

Hòa Bình không phải là địa phương giàu. Theo báo cáo kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hòa Bình ở mức âm (-6,51%). Đồng thời, Hòa Bình cũng là một trong những địa phương “xin” ngân sách từ trung ương nhiều nhất. Đặc biệt, kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (gọi tắt là POBI) năm 2019 do Liên minh minh bạch ngân sách Việt Nam đưa ra cho thấy Hòa Bình là một trong những địa phương có chỉ số công khai minh bạch ngân sách kém nhất cả nước. Với một vài nét phác thảo như trên, phần nào chúng ta có thể thấy được “vấn đề” trong việc sử dụng ngân sách tại tỉnh Hòa Bình.

Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (gọi tắt là POBI) năm 2019

Với việc thi công xây dựng công trình xây lắp cảnh quan, chúng ta cần thẳng thắn đánh giá đây là điều không xấu. Nếu chúng ta giàu, nếu chúng ta ăn đã đủ no thì việc làm đẹp, trang hoàng là điều phù hợp. Tuy nhiên, với Hòa Bình thì (theo đánh giá cá nhân của người viết) việc chi gần 11 tỷ đồng ngân sách để lắp đặt 11 chữ và thi công công trình cảnh quan đồi ông Tượng là điều không nên làm tại thời điểm hiện tại. Nên nhớ, Hòa Bình đang là một địa phương nghèo trên cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các chỉ số phát triển giáo dục, y tế còn hạn chế so với nhiều địa phương khác. Vậy thử hỏi, khi ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, học chưa đủ trường, đường còn lầy lội thì việc “làm đẹp” cho “mặt phố” có ý nghĩa gì? Hay chăng, nó đang lấy đi cơ hội “thoát nghèo” của chính những người dân địa phương?

Đó là chưa kể con số gần 11 tỷ đồng chi cho hoạt động thi công công trình lắp đặt cảnh quan như trên liệu có đúng quy định? Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh Covid, kinh tế cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngay cả những địa phương “giàu” cũng đang phải thắt lưng buộc bụng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tận dụng nguồn lực phát triển.

Có lẽ, sau phong trào xây tượng đài, cổng chào, sắp tới việc lắp đặt chữ khẩu hiệu phục vụ trang trí cũng có thể trở thành một “hot trend” cũng nên!?

Tập trung phát triển con người

Hiện nay, tình hình phân hóa giàu – nghèo giữa các địa phương đang có xu hướng gia tăng. Gắn liền với đó là việc phân hóa trong việc tiếp cận các giá trị phát triển của xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục.

Một điều đáng buồn là hiện nay, một số địa phương đang có biểu hiện sử dụng ngân sách nhà nước một cách lãng phí, tiêu cực, không phù hợp. Với phương châm phải giải ngân ngân sách nhà nước cấp bằng mọi cách, nhiều khoản chi vô lý, không phù hợp vẫn được vẽ ra để cắt phá chiếc bánh ngân sách.

Thời gian qua, lãnh đạo một số địa phương bị khởi tố, điều tra do liên quan đến tiêu cực, tham những cũng là một lời cảnh báo nghiêm khắc cho tình trạng lợi dụng chức quyền để hưởng lợi từ ngân sách.

Trong quá trình phát triển, con người phải là trung tâm của mọi chính sách. Và dĩ nhiên, muốn con người phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thì điều hiển nhiên là lãnh đạo địa phương phải sử dụng ngân sách để đầu tư vào con người.

Quay lại với việc thi công công trình xây lắp khẩu hiệu với chi phí 11 tỷ đồng, chúng ta cần hiểu chữ, khẩu hiệu dù có đẹp, có hay đến đâu thì nó cũng chỉ là vật chết. Nó không tạo ra giá trị mà còn mất thêm tiền để duy trì, bảo dưỡng. 11 tỷ không phải là nhiều nhưng nó cũng không hề nhỏ. Thay vì làm khẩu hiệu cho “đẹp”, cho “oai” thì thiết nghĩ nếu nó được đầu tư vào làm đường, xây trường, xây trạm y tế, hỗ trợ giáo dục v.v… sẽ hợp lý, ý nghĩa và hiệu quả hơn rất nhiều.

Có lẽ chúng ta chưa ngồi trên ghế của lãnh đạo Hòa Bình nên chưa hiểu được “vị trí”, “tầm quan trọng” của 11 chữ khẩu hiệu sắp được cho ra đời. Tuy nhiên, nếu đứng trên góc độ của một người dân, tôi cảm thấy cần cân nhắc cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn trong việc sử dụng ngân sách vào hoạt động trên.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều