+
Aa
-
like
comment

Nghe tin CDC Hà Nội bị phanh phui vụ mua máy xét nghiệm: Nhiều nơi nói ‘dùng thử, chưa mua’

27/04/2020 11:15

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và Sở Y tế TP khẳng định dù Hải Phòng đã lắp đặt máy xét nghiệm nhanh COVID-19 nhưng mới chỉ dừng ở việc doanh nghiệp cho mượn để ‘dùng thử’.

Vụ mua máy xét nghiệm COVID-19: Nhiều nơi nói dùng thử, chưa mua - Ảnh 1.
Cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng vận hành hệ thống máy xét nghiệm nhanh virus corona – Ảnh: T.THẮNG

Nhiều tỉnh, thành và bệnh viện khác như Bắc Giang, Bệnh viện Phổi trung ương… cũng cho biết đang mượn máy chứ chưa mua.

Có đúng là “dùng thử” trước khi mua?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, ông Lê Khắc Nam – phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng – cho biết trước mắt TP giao Sở Y tế phối hợp cùng Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ quy trình các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, tránh để xảy ra sai sót.

Trước thông tin cho rằng TP Hải Phòng đã trang bị hệ thống máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động trị giá gần 10 tỉ đồng đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng TP để phục vụ xét nghiệm COVID-19, ông Lê Khắc Nam khẳng định Hải Phòng chưa phê duyệt bất kỳ kế hoạch đấu thầu cũng như chưa chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 liên quan đến máy xét nghiệm Realtime PCR tự động.

Cũng theo ông Nam, từ đầu mùa dịch đến nay UBND TP đã tổ chức 5 cuộc họp liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Nam, Sở Y tế Hải Phòng trước đó đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH y tế Phương Đông hỗ trợ cho mượn một hệ thống thiết bị Realtime PCR tự động trong thời gian chưa hoàn tất thủ tục mua sắm thiết bị.

Trước những ý kiến nghi vấn Hải Phòng đã mua nhưng nay lại có văn bản “mượn máy” nhằm đối phó, bà Phạm Thu Xanh – giám đốc Sở Y tế Hải Phòng – cho rằng nhiều người nghĩ sở làm văn bản mượn máy là để hợp thức hóa.

“Nếu chúng tôi xác định lấp liếm sự việc thì không ai lại ra văn bản khập khiễng như vậy cả” – bà Xanh nói thêm.

Trong khi đó, ông Từ Quốc Hiệu – giám đốc Sở Y tế Bắc Giang – cũng cho biết sở đã đề xuất mua thiết bị do Bắc Giang thiếu máy tách chiết mẫu.

“Nhưng việc mua sắm vẫn đang trong quá trình xem xét thì chúng tôi lại mượn được máy tách chiết và vẫn sử dụng cho đến nay” – ông Hiệu cho biết.

Ông Nguyễn Viết Nhung – giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương – cũng nói do bệnh viện đang có dự án nghiên cứu, nên mượn được một hệ thống thiết bị Realtime PCR.

“Bộ Y tế cũng đã cấp cho chúng tôi test xét nghiệm COVID-19 và công nhận bệnh viện có thể khẳng định kết quả ca bệnh dương tính, nhưng thiết bị hiện có là đang đi mượn” – ông Nhung khẳng định.

Riêng tỉnh Ninh Bình, một trong số địa phương đã lắp thiết bị xét nghiệm Realtime PCR sớm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lãnh đạo bệnh viện cho biết đơn vị này “đấu thầu qua mạng” là hình thức đấu thầu được phép, không phải chỉ định thầu.

Vụ mua máy xét nghiệm COVID-19: Nhiều nơi nói dùng thử, chưa mua - Ảnh 2.
Nhân viên y tế vận hành máy xét nghiệm Realtime PCR – Ảnh: TTXVN

Chỉ định thầu nhưng phải hiệp thương

Về kinh phí phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến nay số tiền ngân sách trung ương đã chi khoảng 3.000 tỉ đồng.

Toàn bộ tiền chi cho phòng chống dịch thời gian qua là đảm bảo chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia chống dịch; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và hỗ trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch này như chi tiền ăn cho người bị cách ly.

Đối với trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ phương án cân đối nguồn tiền, có thể sẽ dành tối đa nguồn dự phòng của ngân sách trung ương năm nay để chi cho chống dịch COVID-19, với trên 14.000 tỉ đồng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm của trung ương và địa phương trong kinh phí phòng chống dịch COVID-19, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao như Hà Nội, TP.HCM phải chủ động chi 100%.

Còn với những địa phương khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương.

Trong bối cảnh dự báo số thu năm nay có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách nhà nước.

Theo đó, ngân sách trung ương dự kiến dành 34.600 tỉ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020, trong đó chi 20.000 tỉ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.

Số còn lại 14.600 tỉ đồng tiếp tục dành cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương.

Vậy nguồn tiền mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chi trả là của ngân sách Hà Nội hay của ngân sách trung ương? Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định là từ ngân sách của Hà Nội.

Về phương thức mua thiết bị này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng theo quy định đấu thầu để mua máy móc thiết bị phục vụ chống dịch bệnh bằng tiền ngân sách có cho phép chỉ định thầu đối với những trường hợp cấp bách.

Tuy chỉ định thầu nhưng người mua vẫn phải so sánh giá. Bên bán và bên mua có thể thỏa thuận, hiệp thương để định giá tài sản đó nhưng phải trên cơ sở giá nhập khẩu và các chi phí với định mức hợp lý.

“Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất còn chào hàng và kèm giá bán trên mạng. Với mức giá nhập khẩu cùng với các chi phí khác như các khoản thuế… thì giá bán máy móc thiết bị đó có thể tính được ngay” – đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Sẽ thay đổi hình thức hỗ trợ địa phương

Đã có 250 tỉ đồng trong số hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp cả nước được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Bộ Y tế.

Số tiền này trước đây dự định sẽ dành mua sắm thiết bị dự trữ để chống dịch, bao gồm: khẩu trang, bộ trang phục phòng hộ, máy thở, bơm kim tiêm điện…

“Tuy nhiên do tình hình dịch đã thay đổi, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đang bàn các tiêu chí để hỗ trợ địa phương theo nhóm nguy cơ và chuyển thẳng phần hỗ trợ này về cho địa phương, địa phương cân nhắc đầu tư theo nhu cầu của địa phương” – lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết.

Từ đầu vụ dịch đến nay, Bộ Y tế mua sắm những thiết bị y tế gì, giá cả ra sao, hỗ trợ địa phương như thế nào… đang là vấn đề rất được quan tâm.

Bởi trong dự trù của Bộ Y tế cho thấy giá hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR cũng ở mức giá 7 tỉ đồng/hệ thống, rất cao so với thông thường.

Vị lãnh đạo trên cho biết đến nay Bộ Y tế mới mua một số bơm kim tiêm điện, máy truyền dịch, trang phục phòng hộ và khẩu trang.

—–

Hà Nội đã chi trên 1.286 tỉ đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19

* Hải Phòng đã chi 142 tỉ đồng

Từ những ngày đầu triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Y tế triển khai rà soát toàn bộ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch.

Ông Nguyễn Khắc Hiền – giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết TP Hà Nội đã chi 1.286 tỉ đồng cho hoạt động, công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

“Số tiền này bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, các trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, các máy phun và các hệ thống xét nghiệm.

Đặc biệt, TP chỉ đạo mua các trang phục cho cán bộ y tế, đảm bảo cho công tác y tế ở các trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện”.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội hôm 3-4, ông Hiền cho biết đã mua bổ sung 105 máy thở, nâng tổng số máy thở của TP lên 341 máy, đồng thời bổ sung kinh phí đợt 2 để mua thêm 37 máy thở nữa.

Cũng theo ông Hiền, Hà Nội đã mua hơn 300.000 bộ quần áo bảo hộ, tiếp tục mua bổ sung hơn 700.000 bộ phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các kết quả chỉ định thầu trong việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện bảo hộ, vật tư tiêu hao và hóa chất phục vụ phòng chống dịch COVID-19 mà Sở Y tế TP Hải Phòng triển khai đến nay vào khoảng 142 tỉ đồng.

Trong đó, Sở Y tế TP Hải Phòng chi tập trung chủ yếu vào việc mua sắm phương tiện y tế chuyên dụng, máy thở, hóa chất khử khuẩn chloramine B, khẩu trang y tế để phân phát cho học sinh trên địa bàn TP…

Số tiền 142 tỉ đồng được Sở Y tế lấy từ hai nguồn khác nhau là khoản 126,743 tỉ đồng mà UBND TP Hải Phòng trước đó đã đề xuất và được HĐND TP thông qua bằng nghị quyết số 11 ngày 12-3-2020 và nguồn thứ hai là tiền dự phòng ngân sách TP giao phòng chống dịch COVID-19.

XUÂN LONG – TIẾN THẮNG/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều