+
Aa
-
like
comment

Nghệ sĩ và KOLs sống sai không thể mãi xin lỗi

Phạm Khoa - 21/04/2023 08:41

Từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và các KOLs vi phạm pháp luật, có hành vi trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, quảng cáo. Đây được xem là động thái dứt khoát để thanh lọc, trả lại môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh cho công chúng.


Diễn viên Hồng Đăng từng khiến dư luận phẫn nộ vì những lùm xùm ở nước ngoài

Hơn một năm trước đó, ngày 13/12/2021, Bộ VHTT&DL đã ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” kèm theo Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL. Dư luận những tưởng Bộ quy tắc và Quyết định này sẽ từng bước hạn chế sự thiếu lành mạnh trong lối sống và cả trong các hoạt động nghề nghiệp của một bộ phận nghệ sĩ, nhưng sự thật không diễn ra như mong đợi. Những ảnh hưởng tiêu cực từ giới biểu diễn càng lúc càng đáng quan ngại.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm mạnh tay hơn, khi thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các cơ quan quản lý văn hóa sẽ “phong sát” nghệ sĩ vi phạm pháp luật, và thuần phong mỹ tục, không cho họ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu lên công chúng.

Phần đông khán giả, và cả nghệ sĩ làm nghề chân chính đều tỏ ra vui mừng với thông tin này. Nhiều người cho rằng đã đến lúc nền giải trí Việt Nam cần một sự thanh lọc trên bình diện rộng, vì đã quá lâu rồi, các giá trị tốt đẹp và niềm tin chân – thiện – mỹ của công chúng bị một số nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng hủy hoại.

Khác với những thế hệ nghệ sĩ thời chưa có công nghệ số, nghệ sĩ, và các KOL thời đại 4.0 rất biết cách tận dụng công nghệ để tìm kiếm sự ảnh hưởng. Những người làm nghệ thuật trước đây, để sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, thường sẽ rất chắt chiu, cẩn trọng, đôi khi mất thời gian tính bằng tháng, bằng năm, thậm chí bằng cả thập niên. Điều đó giờ đây trở thành chuyện hiếm, khi nhiều “nghệ sĩ” trẻ, và các KOL đưa nội dung sáng tạo lên mạng liên tục, có nội dung được “sản xuất tại chỗ”, thông qua hình thức livestream, với sự cẩu thả đáng báo động.

Nội dung “tác phẩm” đã thế, đạo đức, tác phong đời thường của một số nghệ sĩ và KOL càng đáng ngại hơn. Lướt một vòng qua các nền tảng mạng xã hội, như Youtube, Facebook, đặc biệt là Tiktok, khán thính giả không khỏi ngán ngẩm với lượng nội dung bẩn khổng lồ mà giới biểu diễn tham gia “đóng góp”. Từ việc thoải mái chia sẻ những mặt tế nhị của đời sống cá nhân, cổ súy lối sống thực dụng, đến việc công nhiên đi ngược lại các giá trị đạo đức truyền thống, vi phạm pháp luật, như: dùng chất kích thích, bài bạc, ngoại tình, đánh ghen, bán dâm, ăn cắp vặt, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đóng quảng cáo lừa người xem…

Điểm qua vài vụ việc mà nghệ sĩ và KOLs phạm pháp thời gian qua, như: nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng bị tố cáo xâm hại tình dục du khách Anh ở Tây Ban Nha; hoa hậu Lã Kỳ Anh ăn cắp đồng hồ của bạn tình; Trang Nemo và đồng phạm gây rối trật tự xã hội; và sắp tới đây là diễn viên Hữu Tín, với cáo buộc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý…

Bên cạnh đó, những phát ngôn tiêu cực, vô văn hóa của các nghệ sĩ và KOLs hầu như ngày nào cũng xuất hiện trên mạng xã hội. Thời gian qua, người trẻ đã liên tục bắt chước theo các câu nói tạo trend vô nghĩa, thậm chí xúc phạm người nghe mà nghệ sĩ, hay KOLs đã “sáng tạo” ra, như: “ngạc nhiên chưa bà già?!”; “làm ra “dẻ” quá!”; “chào bà già nghèo khổ giữa mùa đông cô đơn!”…

Những hành vi xấu xí và phạm pháp đó nếu được một người bình thường truyền bá thì hậu quả đã đáng sợ, huống chi xuất phát từ những người được hàng triệu người theo dõi. Đặc biệt, một số nghệ sĩ có đời sống nhiều scandal, như Jack, Hiền Hồ, Phương Oanh…, hay gần đây nhất là các KOL, như Nờ Ô Nô, Hà Linh…có lượng khán giả trẻ theo dõi rất đông, và không thiếu các fan cuồng sẵn sàng bắt chước từ trang phục, cách phát ngôn đến lối sống của “thần tượng”, bảo vệ “thần tượng” bằng mọi giá, kể cả quay lưng lại với người thân, bỏ mặc gia đình… Hệ quả xấu từ đó là đạo đức xã hội xuống cấp, tỷ lệ tội phạm vị thành niên có xu hướng tăng lên, đẩy áp lực về phía các cơ quan thực thi pháp luật.

Giọt nước đã tràn ly, sự nhẫn nại của xã hội đối với những tiêu cực của giới nghệ sĩ và KOL đã chạm ngưỡng. Đến lúc công chúng yêu cầu được tôn trọng, và được thụ hưởng một nền văn hóa nghệ thuật giàu bản sắc, đậm tính nhân văn, nơi tôn vinh xứng đáng các giá trị chân – thiện – mỹ.

Từ giờ trở đi, nghệ sĩ, và những người có ảnh hưởng, nếu không đem lại giá trị tốt đẹp nào cho cộng đồng, thì nên bị loại khỏi cuộc chơi nghệ thuật, và truyền thông, càng sớm càng tốt, để xã hội giữ được sự trong lành.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều