Nghệ sĩ và khán giả, ai nuôi ai?
Những ngày cuối đời, Nghệ sĩ Ưu tú cải lương Út Bạch Lan vẫn đi diễn. Bà đi không phải vì kiếm tiền, vì nhà thiếu tiền mà với lý do “để tri ân khán giả. Ngày xưa nhờ có từng tấm vé khán giả mua mà đã nuôi Út và cả nhà Út. Tuổi xế chiều Út đi hát chỉ là muốn hát cho khán giả mình nghe thôi, không cần tiền bạc gì cả”.
Mọi ngành nghề tồn tại, sống được trong xã hội là nhờ có cung có cầu. Không một người kinh doanh nào dám tuyên bố câu không cần khách hàng, cũng không một nghệ sĩ chân chính nào dám tuyên bố câu không cần khán giả. Không có khán giả, không có người mến mộ, yêu thích thì nghệ sĩ chẳng thể nào sống được với nghề – đó là điều mà bất kỳ cá nhân nào ăn cơm Tổ nghiệp đều ý thức rõ!
Sòng phẳng mà nói, khán giả nuôi nghệ sĩ theo nghĩa đen, đó là góp phần mang lại lợi ích vật chất cho người nghệ sĩ, nuôi dưỡng sự thành công của nghệ sĩ. Như lời ca sĩ Nguyên Vũ nói: “Xe, nhà mà tôi đang có là khán giả đã “cho” tôi”, nhà thiết kế nổi tiếng Vũ Mạnh Cường cũng tri ân khán giả và anh tuyên bố “cần khán giả”. Và nghệ sĩ, thông qua lao động cũng có thể “nuôi” lại khán giả bằng sự giải trí, đem lại những phút giây thoải mái về tinh thần, hoặc có thể tìm thấy chất liệu gì đấy cho cuộc sống.
Tuy nhiên, là một nghệ sĩ sống chân chính với nghề, thử hỏi ai không cần khán giả? Quan điểm của nghệ sĩ trẻ Hòa Minzy: “Em làm ra sản phẩm để cho khán giả của em xem chứ không có làm để ekip tự xem với nhau nên em thực sự rất cần khán giả” cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của khán giả như thế nào. Ngay cả Lý Hải, Ngô Thanh Vân – tỷ phú trong làng giải trí còn “điêu đứng” khi phim làm ra chiếu rạp doanh thu thấp, không có khán giả cũng phải “khóc ròng”. Tại sao một danh hài mới nổi như Trấn Thành trước khi phim ra rạp, sân khấu “sáng đèn” thì đã quảng cáo từ trên báo chí, đến mạng xã hội, “nhờ” cả người nổi tiếng khác quảng bá, để khán giả đến ủng hộ, câu trả lời hẳn là ai cũng rõ!
Không có khán giả, thì tin chắc nghệ sĩ chẳng còn sân khấu nào để diễn, để sống với nghề, để bước trên đỉnh thăng hoa, chạm đến ánh sáng hào quang nghệ thuật – và chỉ có người nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chân chính, sống nghĩa tình là hiểu rõ nhất điều này!
Nghệ sĩ và khán giả là hai đối tượng không thể tách rời, nếu nói về “nuôi” thì là nuôi – dưỡng cho nhau. Còn với một người không nghe nhạc, không xem phim, không có nhu cầu gì về giải trí tinh thần thì tất nhiên, nghệ sĩ không nuôi người đó và người đó cũng không hề nuôi nghệ sĩ – rõ ràng là như vậy!
Suy cho cùng, đối với người nghệ sĩ, có lẽ không gì quan trọng hơn việc tác phẩm của mình được khán giả quan tâm, thưởng thức, và công sức lao động của người nghệ sĩ được khán giả ghi nhận – đó là phần thưởng lớn nhất, cao quý nhất dành cho sự nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ. Các giải thưởng lớn hàng năm vinh danh, tôn vinh người nghệ sĩ cũng không ngoài những giá trị, ý nghĩa trên. Với những gì đã và đang nhận được, ngoài nhớ ơn Tổ nghiệp, phải chăng người nghệ sĩ cũng phải nhớ ơn, có sự tôn trọng nhất định đối với khán giả của mình!
Cuối cùng, con người ai cũng phải lao động để kiếm sống, chẳng có nghề nghiệp nào không cần tiền, và chẳng có ai nhận tiền mà không biết nói hai tiếng cảm ơn và tri ân cả! Nhất là với người nghệ sĩ đang biểu diễn bên trên và bên dưới sân khấu là khán giả của mình.
Đăng Huy