+
Aa
-
like
comment

“Nghề dân chủ”: con hơn cha là nhà … vô phúc!

Bảo An - 03/08/2020 18:06

Ở Việt Nam, “dân chủ”, “nhân quyền” đã trở thành một nghề kiếm sống. Đặc biệt, không ít trường hợp cả gia đình đã bị “tẩy não”, tự khoác cho mình vỏ bọc đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền để phục vụ cho những mưu đồ, lợi ích cá nhân.

Trịnh Bá Khiêm – chồng của Cấn Thị Thêu – thể hiện sự chống phá quyết liệt

Trong số các “gia đình dân chủ”, trường hợp đối tượng Cấn Thị Thêu là một trường hợp vô cùng tiêu biểu. Hầu hết các thành viên trong gia đình Cấn Thị Thêu đều có nhân thân không hề tốt đẹp và có nhiều hoạt động xuyên tạc, chống đối với chính quyền. Sau sự việc Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư bị bắt phục vụ điều tra, một số thành viên trong gia đình họ Trịnh vẫn tiếp tục rêu rao xuyên tạc vụ việc, thể hiện sự thù hằn với chế độ. Trong số đó, Trịnh Bá Khiêm (chồng của Cấn Thị Thêu) đã không ít lần sử dụng mạng xã hội để livestream, đưa ra những dòng thông tin lệch lạc, xuyên tạc tình hình thực tế và thể hiện sự bất tuân, coi thường pháp luật. Đáng chú ý, đối tượng này còn nhận được sự cổ xúy, giúp đỡ và hỗ trợ truyền thông từ không ít cá nhân, hội nhóm, tổ chức chống đối trong và ngoài nước.

Cũng qua sự việc gia đình Cấn Thị Thêu, một lần nữa chúng ta càng thấy sự nguy hiểm, dễ lây lan của cái gọi là “đấu tranh vì dân chủ”. Vì những lợi ích vật chất, người ta rất dễ bị quấn vào sự mù quáng chính trị, trở thành những mầm mống biến chất trong lòng xã hội, trở thành những quân cờ “dân chủ” của các đối tượng phản động, chống phá, cơ hội chính trị.

Con hơn cha… là nhà vô phúc!

Xưa nay, cha ông ta vẫn dạy: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy nhiên, với sự nghiệp “dân chủ” mà một số đối tượng cơ hội chính trị đang theo đuổi, việc “con hơn cha” lại thực sự là “nhà vô phúc”. Thực tế, thời gian qua, chúng ta có thể thấy nhiều đối tượng chống đối được lây lan mang tính chất gia đình. Không chỉ dừng lại ở một số cá nhân cá biệt, trong một số vụ việc, các đối tượng chống đối đã có sự chuẩn bị, tính toán cẩn thận để tiến hành các hoạt động hòng chống phá chế độ.

Hiện nay, trong xu hướng chống phá Việt Nam bằng con đường “diễn biến hòa bình”, các thế lực chống đối trong và ngoài nước tiến hành tập hợp, xây dựng một đội ngũ tay chân và đào tạo, huấn luyện các đối tượng tiến hành chống phá dưới vỏ bọc đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền. Trong đó, các phần tử được tập hợp, kết nạp vào nhóm chống đối này thường là những đối tượng có sự mâu thuẫn, thù hằn với chế độ, chính quyền. Đi liền với đó, các thế lực chống đối sẽ tiến hành hỗ trợ về truyền thông (tung hô, cổ xúy cho các hoạt động chống phá) và vật chất để các đối tượng tay chân tiến hành những hoạt động chống phá, xuyên tạc chính quyền, tạo dữ liệu cho các đối tượng bên ngoài lợi dụng để vu khống Việt Nam.

Suy cho cùng, cái để gắn bó những “nhà dân chủ” trong hoạt động chống đối chính quyền không phải là mục đích đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền cao cả mà tất cả đều vì những lợi ích vật chất. Điều này chúng ta có thể dễ dàng thấy được qua màn “bóc phốt” của Phạm Đoan Trang với đồng nghiệp trong nghề dân chủ thời gian vừa qua. Thực tế, trong giới “dân chủ”, đối tượng nào có thành tích chống phá càng nhiều thì càng nhận được những nguồn lợi ích vật chất to lớn từ các cá nhân, tổ chức chống đối, thù địch với Việt Nam. Đó là chưa kể, các đối tượng có thành tích chống phá nguy hiểm, quyết liệt còn nhận được những “giải thưởng nhân quyền”, được tung hô như những người hùng, nhận được sự ảo vọng về vị thế của bản thân. Và cũng bắt nguồn từ đây, bệnh “dân chủ” đã lây lan, hình thành những “gia đình dân chủ” – một vấn đề đặc biệt nguy hiểm.

Những tấm “mặt nạ da người”

Nói về “nghề dân chủ”, cần phải khẳng định đây là hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và cộng đồng. Vì những động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân mà các đối tượng đã tự biến thành thành con rối cho các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch điều khiển.

Một đặc điểm nhận dạng của các đối tượng chống đối là luôn tự rêu rao bản thân bằng những lời lẽ hết sức hùng hồn, đanh thép, luôn tự nhận mình là người tiên phong, đấu tranh vì lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, những hành động, việc làm của các đối tượng này lại thể hiện sự coi thường pháp luật, mang tính ích kỷ, hẹp hòi. Các đối tượng này thường xuyên lợi dụng những sự việc nóng, những vấn đề được xã hội quan tâm, đặc biệt là những mâu thuẫn trong cộng đồng (chủ yếu là những mâu thuẫn về đất đai) để từ đó thọc tay can thiệp, kích động tư tưởng ly khai, chống phá Đảng, Nhà nước.

Hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận việc một số đối tượng có sự gắn bó chặt chẽ về mặt lợi ích với các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối bên ngoài. Chính vì vậy, hành động chống phá của các đối tượng là vô cùng quyết liệt (vì nếu không chống phá quyết liệt thì “chiếc cần câu cơm” sẽ bị bẻ gãy). Chính vì vậy, không còn cách nào khác là chúng ta phải kiên quyết xử lý một cách nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật đối với những kẻ giả danh dân chủ, nhân quyền để chống phá chính quyền.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều