Ngày thống nhất đất nước: Vết thương lành sao cứ cào nát tướm máu?
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp 30/4, khi đất nước long trọng tổ chức kỷ niệm ngày thống nhất đất nước thì những luận điệu sai trái, tiêu cực lại được các thế lực thù địch đưa ra.
46 năm đã trôi qua kể từ ngày hai miền Nam – Bắc được thống nhất về chung một mối. Những vết thương chiến tranh đã liền sẹo, sự hòa hợp, hòa giải dân tộc đạt được nhiều kết quả tích cực, khối đại đoàn kết dân tộc đã được củng cố.
Với mẫu số chung là tinh thần yêu nước, lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam đã nhất quán thực hiện chủ trương phát huy, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc một cách thực chất. Tại Chỉ thị số 45 ngày 19/5/2015 nêu rõ: “Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”,… mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những tiếng nói lạc lõng, phiến diện, thể hiện sự hận thù đối với chế độ. Trong một bài viết có tiêu đề “Việt Nam – 46 năm sau cuộc chiến và những câu hỏi còn bỏ ngỏ” được BBC tiếng Việt đăng tải. Họ đưa ra vô số luận điệu để nói, giải thích về cái gọi là “không quên được quá khứ” như: “nếu sau chừng ấy năm, Đảng cộng sản làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, bảo vệ được chủ quyền trọn vẹn về lãnh thổ lãnh hải, người dân thực sự được sống trong một xã hội có tự do, dân chủ, nhân bản, tiến bộ, Việt Nam có vị thế của mình trên thế giới thì vết thương của cuộc chiến tranh đã qua, dẫu có tàn nhẫn đến đây cũng sẽ tự lành…”
Cùng với những tiếng nói lạc lõng của những người “bên kia chiến tuyến”, không ít đối tượng cũng ăn theo sự kiện để thỏa mãn những lợi ích chính trị hèn mọn, ích kỷ, cá nhân. Trong đó có thể kể đến như Mạc Văn Trang, một đối tượng trở cờ nguy hiểm đã đăng đàn facebook cho rằng: “Người Việt hải ngoại không tin vào hoà giải dân tộc, vì chính quyền có hòa giải với dân oan, với người bất đồng chính kiến đâu?”…
Suy cho cùng, những luận điệu nêu trên chỉ là cái cớ để níu kéo những ảo tưởng chính trị liên quan đến chế độ cũ tại miền Nam Việt Nam. Họ cố tình không chịu nhìn thẳng, nhìn thật vào những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Trải qua 46 năm thống nhất đất nước, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã “thay da, đổi thịt”. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Xuất phát từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu, chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh gây ra, đến nay, Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện. Về quy mô kinh tế, năm 2020, chúng ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 2.750 USD/năm. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tự do, dân chủ, nhân quyền được bảo đảm.
Song song với đó, việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; Thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên của nhiều tổ chức khu vực, thế giới.
Riêng đối với việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, với việc xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam cùng chủ trương đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung…; Xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; Xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, chúng ta đã khơi dậy tinh thần yêu nước của đồng bào trong nước và quốc tế. Công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chương trình kiều bào hướng về Tổ quốc, Xuân quê hương… đã thu hút được kiều bào hướng về đất nước.
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Việt Nam luôn tôn trọng vào bảo vệ công dân Việt Nam. Chỉ có những kẻ chống phá mới cố tình núp bóng hòa hợp, hòa giải dân tộc để thúc đẩy các hoạt động chống phá, kích động gây mất đoàn kết dân tộc.
Bảo An
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả