+
Aa
-
like
comment

“Ngày tận thế” của nhà hàng Mỹ khi đại dịch Covid-19 càn quét

03/08/2020 06:04

Nhiều nhà hàng buộc phải đóng cửa vĩnh viễn và rơi vào tình trạng khó khăn như “ngày tận thế” khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp nước Mỹ.

“Ngày tận thế” của nhà hàng Mỹ khi đại dịch Covid-19 càn quét - 1
Nhà hàng Beachwood BBQ của Gabriel Gordon phải đóng cửa vì dịch Covid-19. (Ảnh: AFP)

Đối với Gabriel Gordon và vợ ông, Lena, nhà hàng nhỏ được họ mở cách đây 14 năm tại thị trấn Seal Beach, bang California là một giấc mơ và là nền móng cho thành công của họ trong tương lai.

Nhưng cuối tuần này, nhà hàng Beachwood BBQ của vợ chồng Gordon đã phải đóng cửa vĩnh viễn, đánh dấu thiệt hại tiếp theo do đại dịch Covid-19 gây ra đối với hàng loạt nhà hàng trên khắp nước Mỹ.

“Nhà hàng này mở ra mọi thứ cho chúng tôi và cho chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp”, Gordon, 43 tuổi, cho biết.

Hiện Gordon tập trung mọi nỗ lực vào một nhà hàng khác và 3 cơ sở ủ bia do ông sở hữu.

“Nhà hàng đó là nơi đã cho chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp. Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh nó phải đóng cửa”, Gordon chia sẻ.

Theo Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia của Mỹ, nhà hàng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Mỹ, với thiệt hại được ước tính lên tới 240 tỷ USD vào cuối năm nay.

“Đây là thời điểm tận thế của ngành nhà hàng”, Sean Kennedy, phó chủ tịch điều hành các vấn đề công cộng của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ, nói với AFP.

“Chúng tôi là ngành đầu tiên đóng cửa và là ngành cuối cùng hồi phục sau đại dịch, bởi vì chúng tôi sẽ không thể hoạt động cho tới khi các hãng hàng không được khôi phục, các khách sạn được khôi phục và ngành du lịch quay trở lại”, ông Kennedy cho biết.

Tính đến ngày 10/7, 26.160 nhà hàng đã đóng cửa trên toàn nước Mỹ, trong đó 60% (15.770 nhà hàng) đóng cửa vĩnh viễn.

Tác động của làn sóng đóng cửa nhà hàng được cảm nhận rất rõ tại các thành phố lớn, nơi trông cậy vào ngành du lịch trong các tháng hè để “nuôi” những tháng còn lại trong năm.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận gần 158.000 người chết và hơn 4,7 triệu ca mắc Covid-19.

“Giống như mất đi người nhà”

“Các thành phố như Los Angeles… phụ thuộc vào lượng khách du lịch, hội họp, nghỉ dưỡng, trăng mật… để thúc đẩy hoạt động của các nhà hàng. Chỉ khi các nhóm trên được khôi phục, chúng ta mới có thể chứng kiến các nhà hàng hoạt động bình thường”, ông Kennedy nhận định.

Chỉ tính riêng tại bang California, số liệu thống kê đã cho thấy thực trạng đáng báo động. Theo Sharokina Shams, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng tại Hiệp hội Nhà hàng California, khoảng 1,4 triệu người làm việc tại nhà hàng trước đại dịch, trong 4 tháng qua khoảng 1 triệu người đã bị sa thải hoặc cho nghỉ phép.

“Chúng tôi dự đoán 30% nhà hàng tại California sẽ đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch. Hai cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất liên quan tới ngành này là cuộc suy thoái vào năm 2008 và hai năm sau vụ (khủng bố) 11/9. Lần này còn khủng khiếp hơn nhiều”, bà Shams nói.

Bà Madelyn Alfano, 62 tuổi, là chủ sở hữu của Maria’s Italian Kitchen – một chuỗi nhà hàng tại khu vực Los Angeles. Bà đã phải đóng cửa 2 cửa hàng và đang vật lộn để duy trì hoạt động của các cửa hàng còn lại.

“Việc đó giống như mất đi một thành viên trong gia đình vậy… Đó là phao cứu sinh, là đam mê của tôi và có cảm giác giống như thất bại. Tôi có thể ví chuyện này giống như ai đó bị bệnh và bác sĩ nói rằng, “chúng tôi phải cắt bỏ chân của bà để bà có thể tiếp tục sống””, bà Alfano chia sẻ.

Bà Alfano cho biết khi đại dịch Covid-19 tràn tới, hoạt động kinh doanh của bà sụt giảm 50% trong một đêm. Tương tự các nhà hàng khác, bà phải nhanh chóng thích nghi với thực trạng mới.

“Khi tôi nói với mọi người về lợi nhuận ròng của nhà hàng, họ nói với tôi rằng tôi hoàn toàn điên rồ khi làm như vậy. Vào mỗi buổi sáng, bạn không biết ngày hôm đó sẽ mang lại những gì… và là chủ một nhà hàng, bạn không thể thể hiện sự sợ hãi. Vượt qua nghịch cảnh là điều rất quan trọng”, bà Alfano nói.

Đối với Gordon, đại dịch Covid-19 đã buộc ông và những người khác làm việc trong ngành nhà hàng phải suy ngẫm lại nhịp độ cuộc sống và giữ nhịp độ chậm lại.

“Nhiều người trong số chúng tôi nói rằng “Tại sao chúng ta cần phải mở cửa 6 hoặc 7 ngày một tuần”. Điều đó khiến chúng tôi suy nghĩ lại về toàn bộ mô hình kinh doanh của mình”, ông Gordon nói.

Thành Đạt/Dân Trí

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều