Ngày Quốc khánh tang tóc của nước Mỹ
Các nhà chức trách cho biết, sau hàng loạt vụ xả súng trong ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, đã có 15 người thiệt mạng và 94 người khác bị thương trên khắp 13 tiểu bang.
Mỹ vừa trải qua một ngày tồi tệ khi từ thủ đô Washington đến Texas, California, New York… đã báo cáo 16 vụ xả súng hàng loạt. Một vụ xả súng hàng loạt được hiểu là sự cố trong đó có 4 người trở lên, trừ kẻ xả súng, bị giết hoặc bị thương do súng.
Trong ngày 4/7, một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất là cậu bé 14 tuổi đã chết do xả súng tại bữa tiệc trên bờ biển phía đông Maryland.
Nổi bật trong số các vụ xả súng còn có vụ bạo lực khiến 9 người bị thương ở Washington. Nạn nhân gồm 2 trẻ 9 tuổi và 17 tuổi.
Trước đó, đã có ít nhất 3 vụ xả súng chấn động đã khiến 10 người chết và gần 40 người khác bị thương.
Trong tình trạng bạo lực súng đạn tràn lan, Tổng thống Joe Biden đã than thở về “làn sóng các vụ xả súng bi thảm và vô nghĩa trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ”.
Tổng thống cho biết ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden “rất tiếc cho những người đã thiệt mạng”, đồng thời lặp lại lời kêu gọi cải cách kiểm soát súng, chấm dứt quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các nhà sản xuất súng.
Mỹ hiện đang trên đà đối mặt với một trong những năm tồi tệ nhất của các vụ xả súng hàng loạt. Từ đầu năm đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 350 vụ bạo lực súng đạn. Nếu tốc độ này vẫn giữ ổn định trong nửa cuối năm nay, thì tổng số vụ xả súng có thể lên đến 679, gần gấp đôi so với năm 2018.
Hồi tháng 6, vào Ngày Nhận thức về bạo lực súng đạn quốc gia tại Mỹ, hàng trăm người tại Mỹ đã ra đường nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực súng đạn, vấn đề vẫn luôn nhức nhối trong xã hội nước này.
Ngay từ sáng, rất nhiều người dân Mỹ đã cùng nhau tham gia sự kiện chống bạo lực súng đạn tại Quảng trường Freedom Plaza ở thủ đô Washington D.C. Với các khẩu hiệu như “Phòng ngừa”, “Chấm dứt bạo lực súng đạn”, sự kiện nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân và giảm thiểu bạo lực súng đạn.
Được biết, tỷ lệ tử vong do súng đạn tại Mỹ cao nhất toàn cầu, cao hơn nhiều so với con số này ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Theo tờ USA Today, tại Mỹ, cứ 100.000 dân thì có khoảng 12 người tử vong do súng đạn, gần gấp 4 lần tỷ lệ của quốc gia xếp thứ hai là Thụy Sỹ.
Thống kê của Statista cho thấy, phần lớn hung thủ trong các vụ xả súng hàng loạt là người da trắng. Số nạn nhân là người gốc Phi thiệt mạng và bị thương trong các vụ việc này tại Mỹ lần lượt cao gấp 2 và gấp 14 so với người da trắng.
Theo nhóm Everytown for Gun Safety, những tai nạn súng đôi khi gây chết người thường do trẻ em gây ra. Năm 2022, trẻ em đã gây ra ít nhất 321 vụ nổ súng với nguyên nhân được xác định là tai nạn, khiến 143 người thiệt mạng.
Có thể nói bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ, trong đó các vụ xả súng hàng loạt diễn ra thường xuyên hơn trong những thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chia rẽ về các giải pháp ngăn chặn với một bên là đảng Dân chủ kêu gọi siết chặt kiểm soát súng đạn và một bên là đảng Cộng hòa muốn tập trung vào đảm bảo sức khỏe tâm thần và tăng cường an ninh tại các địa điểm công cộng.
Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà dân thường sở hữu số súng nhiều hơn số dân – cứ 100 người thì có 120 khẩu súng. Mỹ có tỷ lệ giết người bằng súng cao nhất trong thế giới phát triển với khoảng 4 trên 100.000 người, cao gấp 18 lần tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển khác.
Tuy nhiên, nhiều người Mỹ coi quyền được mang vũ khí (được ghi trong Hiến pháp Mỹ) là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, những người chỉ trích Tu chính án thứ hai nói rằng quyền đó đe dọa một quyền khác, đó là quyền được sống.
Không có quốc gia phát triển nào khác xảy ra các vụ xả súng hàng loạt với quy mô hoặc tần suất như Mỹ.
Bảo Trâm