Ngày mai giá xăng có thể giảm gần 1.400 đồng/lít
Mức giảm sẽ vào khoảng 1.200 – 1.400 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và giá dầu có thể giảm sâu hơn ở mức từ 1.700 – 2.000 đồng/lít.
Tuần qua, sau khi sụt giảm mạnh, giá dầu giá dầu Brent và WTI đã tăng liên tiếp trong hai phiên giao dịch cuối tuần lên mức gần 110 USD/thùng. Hiện dầu Brent đang ở mức 107,9 USD/thùng, dầu WTI tăng lên 104,7 USD/thùng.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/3 giảm từ 9 – 12% so với trước thời điểm ngày 11/3. Cụ thể, giá xăng RON92 ở mức trung bình là 120,29 USD/thùng, chu kỳ trước là 133,83 USD/thùng. Giá xăng RON95 trung bình 124,14 USD/thùng, kỳ trước là 135,5 USD/thùng. Tương tự, giá dầu diesel nhiều thời điểm về mốc giá 111 USD/thùng.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá dầu thế giới tuần qua có thời điểm giảm tới 30% đưa bình quân giá của chu kỳ 10 ngày qua giảm khá mạnh. Do đó, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/3, nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm, mức giảm khi không có sự can thiệp của Quỹ Bình ổn giá sẽ vào khoảng 1.200 – 1.400 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Trong khi đó, giá dầu còn có thể giảm sâu hơn ở mức từ 1.700 – 2.000 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương – Tài chính trích lập Quỹ Bình ổn giá, giá xăng dầu có thể sẽ giảm ít hơn.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất (ngày 11/3), liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng E5RON92 tăng 2.908 đồng/lít lên mức 28.985 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tăng 2.990 đồng/lít lên 29.824 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S tăng 3.958 đồng/lít có giá bán mới 25.268 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 23.918 đồng/lít (tăng 3.940 đồng/lít) và giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 2.519 đồng/kg để có giá bán hiện tại là 20.987 đồng/kg.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, ngày 15/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 1509/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm, để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Xây thêm nhà máy lọc dầu quy mô 10 triệu m3 để làm chủ nguồn cung
Trước đó phát biểu giải trình chất vấn trước Quốc hội liên quan đến quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát.
Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, nghị định để quản lý mặt hàng quan trọng này. Hiện có đầy đủ công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, cho đời sống.
Trong thời gian qua, dự trữ xăng dầu đáp ứng được yêu cầu. Qua cuộc làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương vào đầu tháng 2/2022, Phó Thủ tướng cho biết, khi đó, dự trữ xăng dầu vẫn còn khoảng 1,2 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu trong tháng 2 khoảng 900.000 tấn và nhập khẩu khoảng 900.000 tấn, như vậy, chúng ta có khoảng 3 triệu tấn xăng dầu. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu một tháng khoảng 1,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong tháng 2, có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng và giá xăng dầu tăng liên tục trong mấy kỳ liên tiếp.
Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 2, sản lượng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có suy giảm nhưng đây không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa.
Nguyên nhân chính là do các kênh phân phối, “điều phối giữa nhà phân phối cấp 1, cấp 2, cấp 3 với các cửa hàng xăng dầu có vấn đề”.
Việc một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa chỉ là cá biệt, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhân dân, người tiêu dùng do lo ngại sẽ thiếu xăng dầu.
Theo Phó Thủ tướng, hiện chúng ta chưa tự chủ được nguồn cung xăng dầu mà vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Hiện nay, cả nước mới có 2 nhà máy sản xuất xăng dầu, bao gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đưa vào hoạt động từ năm 2009 và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đưa vào hoạt động năm 2018. Cả 2 nhà máy hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu cả nước (khoảng 20-21 triệu tấn xăng dầu/năm).
Bên cạnh đó, nguồn dầu thô dùng cho các Nhà máy Dung Quất và Nhà máy Nghi Sơn vẫn phải nhập khẩu. Khai thác dầu thô của chúng ta cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhấn mạnh tinh thần điều hành là bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống, giá cả vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có kiểm soát, điều tiết của nhà nước để bảo đảm vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có giải pháp đối với cả 3 lĩnh vực: Sản xuất, nhập khẩu và phân phối.
Về sản xuất, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng sản lượng lên 105% và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng cam kết tăng công suất trở lại.
Về nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
“Về sản xuất và nhập khẩu thì chúng ta đã kiểm soát, bảo đảm cho cơ số dự trữ khoảng 2-3 tháng cho xăng dầu”, Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ xăng dầu có bảo đảm đúng quy định như trong Nghị định mà Chính phủ đã ban hành hay không. “Trước việc đóng cửa một số cửa hàng như vậy thì phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm và xử lý cho bằng được”.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng làm rõ vấn đề mức chiết khấu xăng dầu bằng 0 giữa một số thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, một lý do mà các cây xăng đóng cửa.
Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nêu rõ, bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, kinh tế vĩ mô.
Với tinh thần đó, Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá, đã có nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thì có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá cả ổn định.
“Tinh thần là vừa điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng vừa phải bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm sản xuất, đời sống, an sinh”, Phó Thủ tướng nói.
Về giải pháp dài hạn, Phó Thủ tướng cho biết, ông đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), với tinh thần dứt khoát phải làm chủ mặt hàng xăng dầu và sản xuất trong nước.
Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sớm đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu có quy mô sản xuất 10 triệu m3, nếu có thêm 10 triệu, cộng 13 triệu hiện nay chúng ta có 23 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước.
. Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng khai thác; chú trọng việc tìm kiếm, thăm dò thêm các mỏ dầu mới. Hiện nay, chúng ta mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước.
Cho rằng vẫn còn một số bất cập trong điều hành hợp đồng khoan thăm dò, Phó Thủ tướng nêu rõ, sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách để khi chúng ta khoan được dầu thô thì ưu tiên phục vụ cho sản xuất xăng dầu trong nước, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn tài nguyên đặc biệt này.
Bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng trong bất cứ hoàn cảnh nào
Cũng trong chiều ngày 16/3, làm việc với tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trong đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội… Chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động, thực hiện được mục tiêu này.
Minh Ngọc