+
Aa
-
like
comment

Ngày đầu thí điểm mở cửa Quận 7, người dân chưa dám ra đường

Sơn Ca - 15/09/2021 11:14

Ngày đầu thí điểm mở cửa trở lại ở Quận 7, đường phố vẫn vắng người, các hàng quán vẫn đóng cửa im lìm. Người dân vẫn dè dặt khi bước ra đường.

Theo kế hoạch từ ngày hôm nay (15/9), quận 7 thí điểm cho 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép hoạt động trở lại. Bước đầu quận 7 sẽ cho phục hồi sản xuất, các dịch vụ (ngân hàng, công chứng) và kinh doanh mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men…), người dân chỉ đi chợ 1 lần trong tuần.

Lãnh đạo quận 7 cho biết đã xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với người dân được cấp “thẻ xanh COVID-19” (cho người tiêm 2 mũi vaccine, đủ thời gian tạo kháng thể; F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng) cũng như tiêu chí cụ thể cho nhà xưởng, siêu thị, cửa hàng nào được hoạt động trở lại.

Ghi nhận của PV, sáng 15/9 tại đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh vẫn đóng chặt cửa trong ngày đầu thực hiện thí điểm “thẻ xanh COVID”.

Theo lãnh đạo quận 7, sẽ cố gắng mở cửa từng bước, không làm đại trà. Khi bắt đầu mở cửa, người dân ở quận 7 có thẻ xanh được đi lại ở những vùng xanh trên địa bàn quận. Địa phương đang xây dựng phần mềm để cảnh báo người có thẻ xanh không được đi đến vùng đỏ hoặc ngược lại.

Ghi nhận khi quận 7 được TP.HCM chọn là địa phương thí điểm mở lại một số dịch vụ, nhiều cửa hàng kinh doanh hầu như chưa có động thái mở bán lại. Chỉ lác đác vài quán cơm, quán phở,… mở bán lại theo hình thức qua App để shipper giao hàng, đây cũng là hình thức được Thành phố cho phép gần 1 tuần qua.

Quán cơm Ty Mập trên đường Lê Văn Lương (quận 7) là số ít những quán bán mang đi được vài ngày qua. Tuy nhiên chủ quán cơm này cho biết những ngày đầu mở bán còn gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng các tiêu chí của chính quyền địa phương. Chủ quán hy vọng từ ngày 16/9 khi shipper được hoạt động liên quận, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.

Trong khi đó đường phố cũng ít người đi lại, chủ yếu shipper lưu thông để giao hàng cho khách.

Nhiều người đặt cơm qua App, shipper luôn sẵn sàng phục vụ.
Nhiều quán ăn trên đường Nguyễn Thị Thập vẫn chưa mở cửa hoạt động dù trước đó UBND TP.HCM đã thống nhất chọn quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ để thí điểm mở cửa hoạt động có kiểm soát.
Anh Hoàng, nhân viên cửa hàng bán hoa và thực phẩm sạch tại đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) cho biết, tiệm đã mở cửa từ lúc 6h30 để chuẩn bị bán hàng cho ngày 15/9. Tuy nhiên, lượng khách mua cũng chưa có gì thay đổi, chủ yếu qua ứng dụng, không có khách đến mua trực tiếp.

Các quán ăn dè dặt không dám mở cửa vì vẫn còn lo ngại ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những quán ăn này đã đóng cửa từ khi TP.HCM thực hiện siết chặt giãn cách xã hội.

Bà Phương (ngụ quận 7) đã mang gánh bánh mối ra vỉa hè ngồi bán từ 6h, nhưng đợi 2 tiếng đồng hồ mà vẫn không có nhiều khách đến mua. “Dù sợ dịch bệnh nhưng vì miếng cơm, tôi vẫn phải làm”, bà Phương nói và cho hay ngày mai sẽ đi tiêm mũi thứ 2 vaccine phòng COVID-19.
Một chốt chặn trên đường Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7) đang thực hiện nghiêm giãn cách, shipper và người nhận hàng chỉ có thể chuyển đồ ăn, nhu yếu phẩm qua hàng rào bảo vệ.
Chị Mỹ (ngụ quận 7) đang lấy bánh mì từ nhân viên lò bánh. Chị cho biết đã nghe thông tin từ 15/9 sẽ thí điểm “thẻ xanh COVID”, dù đã được tiêm 2 mũi vaccine nhưng vẫn lo lắng khi ra đường vì ứng dụng “sổ sức khoẻ điện tử” chưa cập nhật đủ thông tin.
Một cửa hàng tạp hoá tại đường Lê Văn Lương chỉ mở hé cửa. Người mua xếp hàng đợi bên ngoài, muốn mua gì phải đứng từ xa đọc tên món đồ, nhân viên sẽ lấy hàng, tính tiền rồi gửi ra sau.
Cũng tại đường Lê Văn Lương, người dân xếp hàng, giữ khoảng cách trước nhà thuốc Long Châu. Việc mua thuốc diễn ra rất nhanh, sau khi mua thuốc, người dân lập tức rời đi. Đa số người đi mua thuốc đều đã được tiêm từ 1 đến 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Trước đó, tại Hội nghị BCH đảng bộ TP.HCM lần thứ 8 diễn ra chiều 14/9, Bí Thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, Hội nghị đã thống nhất chọn huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 7; một số Khu công nghiệp, Khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện được cho hoạt động có kiểm soát.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết, Hội nghị thống nhất lộ trình thực hiện qua 3 giai đoạn mà Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã trình. Giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến ngày 30/10), giai đoạn 2 (từ ngày 1/11 đến ngày 15/1/2022), giai đoạn 3 (từ sau ngày 15/1/2022). Tất cả các giai đoạn này sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều