Ngày cuối được miễn phí xét nghiệm Covid-19, shipper như ngồi trên đống lửa
Ngày hôm nay 23/9, cũng là ngày cuối các shipper được xét nghiệm Covid-19 miễn phí, cả hãng xe và shipper đều đứng ngồi không yên
Theo Công văn 3120 của UBND TP.HCM, từ ngày 24 đến 30-9, các doanh nghiệp (DN) giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ tại TP.HCM sẽ phải chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh cho đội ngũ shipper theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, ba ngày/lần. Sau đó cập nhật kết quả vào kho dữ liệu chung của TP.
Các hãng có chia sẻ với tài xế phí xét nghiệm?
Theo tìm hiểu của PV, một shipper sẽ phải trả từ 70.000 đến 80.000 đồng/lần xét nghiệm nhanh. Đến ngày 22-9, Be Group là đơn vị tiên phong nói sẽ hỗ trợ một phần chi phí này cho shipper. Trong khi Gojek chưa đưa ra phương án hỗ trợ tiền xét nghiệm cho shipper và cho biết đang làm việc với cơ quan chức năng về phương án hỗ trợ xét nghiệm cho hãng. Grab Việt Nam chưa có thông tin gì về việc có hỗ trợ phí xét nghiệm cho đối tác hay không, PV cũng chưa liên lạc được với đại diện của hãng.
Shipper lo gánh chi phí xét nghiệm
Ngay sau khi có công văn ngừng xét nghiệm miễn phí ở các trạm y tế lưu động, nhiều shipper tỏ ra lo lắng. Điển hình, trên diễn đàn của các shipper, nhiều người dự đoán “cái khó” là chi phí xét nghiệm sẽ bị đẩy về cho tài xế.
Anh Nguyễn Văn Lượng, một shipper, chia sẻ để giao được một món hàng trong mùa dịch, shipper mất rất nhiều thời gian, nhất là đi xét nghiệm COVID-19 và phải qua nhiều chốt kiểm soát mới giao được hàng.
“Sở dĩ shipper đăng ký hoạt động trở lại là do được hỗ trợ chi phí xét nghiệm nên ai cũng cố gắng để đi kiếm cơm. Nếu shipper phải chịu chi phí xét nghiệm thì chúng tôi sẽ cân nhắc lại” – anh Lượng nói.
Anh Dương Văn Đậu, một shipper ngụ TP Thủ Đức, cũng cho biết ngày 21-9, khi đi xét nghiệm COVID-19, anh được thông báo hôm nay là buổi xét nghiệm miễn phí cuối cùng cho các shipper.
Theo tìm hiểu của PV, Grab Việt Nam đã thông báo tới các đối tác tài xế từ ngày 21-9 sẽ tạm ngưng xét nghiệm miễn phí tại các trạm y tế lưu động. Trong trường hợp có nhu cầu thực hiện xét nghiệm COVID-19, shipper có thể tham khảo một số địa điểm xét nghiệm có trả phí tại các bệnh viện và trạm y tế.
Lo xét nghiệm không đúng kỹ thuật
Đại diện Gojek Việt Nam cho rằng các DN hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 cho đội ngũ giao hàng. Do đó, công ty có thể thực hiện không đúng kỹ thuật xét nghiệm mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ và kết quả không chính xác.
Gojek cho rằng nếu không có chuyên môn, rất có khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, DN không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm. Chưa kể hàng chục ngàn shipper sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để lấy mẫu, đọc kết quả.
“Để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng DN sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Như vậy hàng hóa khó đến được tay người dân, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn và nhu cầu của người dân khó được đáp ứng” – đại diện Gojek cho hay.
Do đó, Gojek đề xuất cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động để đảm bảo chất lượng chuyên môn. Gojek sẽ cùng các DN khác hỗ trợ việc điều phối, chia lịch để các đối tác tài xế thực hiện xét nghiệm theo khung giờ tại các điểm chỉ định để không bị quá tải. Hãng này cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất xét nghiệm nhanh COVID-19 vì tần suất 2-3 ngày/lần có thể không còn phù hợp khi các shipper đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Một hãng công nghệ khác cho biết các hãng cũng đã “kêu khó” với Sở Công Thương TP. Theo đó, Sở Công Thương có đề ra một số hướng giải quyết như các hãng tự làm xét nghiệm và cập nhật lên hệ thống hoặc liên kết với các bệnh viện, trung tâm y tế để thực hiện, sở sẽ cung cấp các bộ kit xét nghiệm.
“Tuy nhiên, hãng đang băn khoăn biện pháp áp dụng để mang lại hiệu quả, không gây lãng phí bộ kit xét nghiệm” – vị đại diện cho biết.
Về vấn đề trên, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết câu chuyện giao cho các hãng tự xét nghiệm cho đội ngũ shipper của hãng đã được Sở Y tế nghiên cứu và tham mưu cho UBND TP.HCM. Các vấn đề trên đã được các sở, ngành bàn luận rất nhiều.
Vị đại diện này cho biết hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân đã biết tự xét nghiệm COVID-19 trong thời gian vừa qua. Theo đó, các đơn vị cũng có thể tự làm xét nghiệm nhanh chóng, hiệu quả, không gây ùn ứ như các trung tâm y tế. Được biết, hiện một số hãng đã kết hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế để tiến hành xét nghiệm cho đội ngũ shipper trong thời gian tới.
Sở Công Thương sẽ giao các bộ kit xét nghiệm cho các hãng công nghệ để tiến hành xét nghiệm cho shipper. Còn địa điểm và nhân lực xét nghiệm thì các hãng sẽ lo theo Công văn 3120 của UBND TP.•
Dùng công nghệ số hóa trong xét nghiệm nhanh cho shipper
Be Group cho biết hãng là một trong các đơn vị đầu tiên chủ động thực hiện triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tài xế từ ngày 24-9.
Theo Be, quy trình xét nghiệm thực hiện trong khoảng 1 phút/người. Hãng sẽ sử dụng ứng dụng công nghệ số hóa, giảm thiểu toàn bộ các bước thủ tục giấy tờ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, bao gồm thanh toán trực tuyến 100% thông qua ngân hàng số Cake by VPBank. Đồng thời, quy trình đăng ký, trả kết quả tiện lợi, trực tuyến, quản lý dữ liệu tập trung bằng nền tảng công nghệ của Be.
Hãng này cho biết sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho shipper của hãng. Be khẳng định quy trình xét nghiệm sẽ giảm thiểu các thủ tục như xếp hàng, đăng ký. Toàn bộ khâu lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất 1 phút/người, trả kết quả trực tuyến trong vòng 15-30 phút tối đa. Thông tin xét nghiệm được cập nhật trên ứng dụng “Y Tế HCM” của Sở Y tế để tiện tra cứu.
Đào Trang