+
Aa
-
like
comment

Ngày 25/2 của 52 năm trước, Chiến dịch Hòa Bình ghi dấu sự thảm bại của quân Pháp

Bảo Trâm - 25/02/2021 08:47

Hòa Bình là một trung tâm chính trị của đồng bào Mường, là cửa ngõ nối liền vùng tự do đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chiến dịch Hòa Bình nhằm đánh bại kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của Pháp, phá phòng tuyến sông Đà, tiêu diệt sinh lực địch và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích của ta ở đồng bằng Bắc Bộ.

Để giành lại quyền chủ động mùa đông năm 1951, quân Pháp mở cuộc tiến công ra Hòa Bình, lập phòng tuyến sông Đà nối liền với tuyến phòng thủ trung tâm nhằm nối lại “Hành lang Đông –Tây” thực hiện khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa chiến khu Việt Bắc với Liên khu 3 và 4. Ở Hòa Bình, Pháp cho thành lập các “xứ Mường tự trị” để thực hiện “Da vàng hóa chiến tranh” nhằm dùng các lợi ích về kinh tế chính trị để thuyết phục người dân tộc thiểu số đi lính cho Pháp.

Từ ngày 9 – 14/11/1951, quân Pháp đã huy động 20 tiểu đoàn, có máy bay, pháo binh yểm trợ tiến đánh Hòa Bình. Trong vòng 10 ngày, chúng đã chiếm được một vùng rộng lớn dọc quốc lộ 6 và sông Đà. Trước tình hình đó, ngày 24/11/1951, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch tấn công quân Pháp ở Hòa Bình.

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 – 25/2/1952, với trận đánh mở màn ở cứ điểm Tu Vũ – núi Chẹ. Đây là chiến dịch tiến công lớn nhất của quân ta từ khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến. Cuộc chiến chủ yếu diễn ra tại khu vực thị xã Hòa Bình, dọc tuyến sông Đà và trên tuyến đường 6. Trong những cuộc tiến công của ta, dù được pháo, máy bay, xe tăng yểm trợ, nhưng quân Pháp vẫn hoàn toàn bất lực trước một đội quân thua kém về số lượng và trang bị vũ khí. Tại đây, 3 đại đoàn chủ lực của ta đã trực tiếp đương đầu với lực lượng cơ động của địch lên xuống trong khoảng từ 13 – 19 tiểu đoàn.

Cùng với tấn công vào các cứ điểm trọng yếu, quân ta trên khắp các mặt trận liên tục mở đợt phục kích tấn công, tiêu diệt dần sinh lực địch. Trong đó có các trận như tiêu diệt địch ở đồi Bục Bịch (Kỳ Sơn cũ); Tiểu đoàn 161, đơn vị nòng cốt của Trung đoàn 12 cùng du kích xóm Chăm, thị xã Hòa Bình tổ chức phục kích, tiêu diệt 10 tên địch, phá hủy 1 xe quân sự trên đường từ thị xã vào dốc Cun; Đại đội 16 Kỳ Sơn và 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 616, Trung đoàn 12, phối hợp với 2 tiểu đoàn bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 66, Liên khu 3 phục kích địch trên quốc lộ 6, tiêu diệt 34 xe của địch tại khu vực cầu Mè (Mông Hóa); trận đánh của bộ đội địa phương, du kích xã Bình Thanh cùng Đại đội 12, Tiểu đoàn 353, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 chặn đánh địch tại Giang Mỗ, phá 10 xe quân sự, trong đó có 1 xe tăng, tiêu diệt 153 tên, bắt sống 71 tên lính Âu – Phi.

Tượng đài chiến thắng tại Giang Mỗ – Bình Thanh

Tiếp đó, đến ngày 22/12/ 1951, bộ đội địa phương, dân quân du kích (DQDK) đã phối hợp với bộ đội chủ lực phục kích, bắn chìm 1 tàu chiến, 6 ca nô của địch trên sông Đà… Điều đáng nói là trong chiến dịch Hòa Bình, lực lượng bộ đội chủ lực đã có sự phối hợp quan trọng của DQDK địa phương và sự đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân. Hồi ký của đại ủy Nguyễn Văn Gấu, nguyên cán bộ Tỉnh đội Hòa Bình từng viết: Năm 1951, chuẩn bị cho chiến dịch Hòa Bình, khi bộ đội đến, các em nhỏ, các mế, các bố và thanh niên đền xuống sàn, tay bắt mặt mừng, đón chúng tôi như đón người con đi xa trở về. Nhân dân không dư dả gì nhưng Nhân dân không để chúng tôi phải nhịn đói…”. Cùng với việc phối hợp chiến đấu hiệu quả, DQDK địa phương đã trở thành nòng cốt cùng với Nhân dân tích cực sửa đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường.

Tù binh bị bắt sau chiến dịch Tu Vũ đã viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng biết ơn về chính sách nhân đạo của Việt Minh

Qua 20 ngày chiến đấu (từ ngày 10 – 31/12/1951), ta đã tiêu diệt được một bộ phận lớn quân địch. Đường tiếp tế trên sông Đà của địch bị tê liệt. Đường số 6 bị chia cắt. Quân Pháp ở Hòa Bình đã hoàn toàn chuyển sang thế phòng ngự bị động. Mọi cố gắng của địch lúc này chỉ nhằm khai thông lại tuyến đường 6 đã bị ta cắt đứt. Cả thị xã Hòa Bình ở thế bị bao vây. Để tránh những đòn tấn công bất ngờ của ta, Sở chỉ huy quân Pháp ở thị xã Hòa Bình do đại tá Clemante cầm đầu phải chui xuống hầm. Toàn bộ quân địch phải ăn, ngủ dưới hầm. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23/2/1952, địch buộc phải rút chạy, thị xã Hòa Bình được giải phóng. Trên đường rút chạy, địch bị bộ đội địa phương, du kích tiếp tục truy kích, chặn đánh gây tổn thất nặng nề.

Sau hơn 3 tháng đánh chiếm Hòa Bình lần thứ 2, đã có 6.012 tên địch bị tiêu diệt, 156 xe các loại, 17 tàu chiến và ca nô, 24 đại bác bị phá hủy, 9 máy bay bị bắn rơi. Một lần nữa, Hòa Bình là nơi ghi đậm sự thất bại thảm hại của quân Pháp.

Lực lượng dân công vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952.

Thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình là thành công của Đảng ta trong việc chỉ đạo tiến công chiến dịch và đưa lực lượng vũ trang của quân đội ta có bước tiến mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày trên hai mặt trận rộng lớn và phức tạp. Đồng thời tạo ra cơ hội cho các chiến trường khác đẩy mạnh chiến tranh du kích, liên tục tiến công, tiêu diệt sinh lực địch, phát triển lực lượng kháng chiến mở rộng thêm nhiều vùng căn cứ làm cho cục diện chiến trường thay đổi ngày càng có lợi cho quân đội ta tạo đà tiến lên mạnh mẽ hơn.

Bảo Trâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều