+
Aa
-
like
comment

Ngày 10/5, Việt Nam ghi nhận 125 ca mắc Covid-19 trong nước

Hồng Anh - 10/05/2021 19:00

Ngày 10/5, Việt Nam có thêm 125 ca mắc Covid-19 trong nước. Hầu hết bệnh nhân thuộc diện F1, đã được cách ly.

Theo Bộ Y tế, tối 10/5, các tỉnh, thành phố có thêm ca mắc mới là Hưng Yên (6), Đà Nẵng (4), Bắc Giang (3), Hà Nội (2), Vĩnh Phúc (1). Trong số các bệnh nhân mới, 15 người thuộc diện F1, đã được cách ly.

Nguoi thu 5 o Lang Son nhiem nCoV hinh anh
Ngày 10/5, Việt Nam ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục.

Trường hợp còn lại đang được điều tra dịch tễ là bệnh nhân nữ (45 tuổi) có địa chỉ tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Vĩnh Phúc có một bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng mang quốc tịch Trung Quốc. Người này đã được cách ly tập trung. Hiện bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 hôm nay, 10.5, đã họp để thảo luận về tình hình dịch bệnh, việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, bảo đảm tài chính… phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là kịch bản có 30.000 người nhiễm.

Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó phải giao chỉ tiêu cụ thể (giường bệnh, sinh phẩm, máy xét nghiệm, thuốc điều trị, ô xy,…) để các địa phương chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (theo kịch bản trước đây, Bộ Y tế mới chuẩn bị phương án 10.000 người nhiễm).

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chúng ta đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh. Các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm… Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh.

“Chúng ta phải coi xét nghiệm là trọng tâm, trọng điểm phải làm trong lúc này. Tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cao như: cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, nhà máy, nơi lưu trú, khu vực tập trung đông người,… phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm để ngăn chặn dịch bệnh”, ông Long nói.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm, hiện nay các địa phương mới chỉ chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men… phục vụ phòng chống dịch ở thời điểm hiện tại. Cho nên, chúng ta phải dự trù, lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế có ngay phương án hỗ trợ, tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương, đặc biệt là đánh giá ngay hiệu quả các công nghệ xét nghiệm mới, từ đó đưa ra phương án, chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng tình huống, điều kiện thực tế nhằm sàng lọc, đánh giá dịch tễ trên địa bàn sớm nhất, tiết kiệm nhất.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đề nghị, trên cơ sở kịch bản 30.000 ca mắc, Bộ Y tế giao chỉ tiêu, phân vùng cụ thể để các địa phương chủ động mua sắm theo thẩm quyền. Nếu khó khăn về kinh phí, sử dụng quỹ dự phòng mà thiếu thì báo cáo Bộ Tài chính để bố trí, bảo đảm đầy đủ kinh phí phục vụ phòng, chống dịch.

Them benh nhan Covid-19 anh 1
Thống kê số ca mắc Covid-19 trong nước.

Không thay đổi chiến lược chống dịch

Về chiến lược chống dịch, Phó thủ tướng nêu rõ có một số nơi, một số địa phương nói về việc thay đổi chiến lược nhưng như các chuyên gia phân tích, đấy chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi.

Theo ông Đam, đầu tiên, chúng ta phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới, cũng như người tại trung tâm cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để cho lây nhiễm vào cộng đồng. “Chúng tôi đã chỉ đạo rất cụ thể, bây giờ phải thực hiện thật nghiêm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát hiện nhanh nhất các ca bệnh, Phó thủ tướng cho rằng, phải có khám, sàng lọc, không chỉ theo dấu các F1, F2, F3 mà cần sàng lọc định kỳ, sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác nhau ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, các chỗ tập trung đông người.

Về khoanh vùng, dập dịch, Phó thủ tướng nhắc lại tinh thần từ trước đến nay, khi có ca nghi ngờ thì triển khai khoanh vùng và “vì mục tiêu kép” thì phải khoanh gọn nhất có thể. Nếu chưa đủ điều kiện để xác định chỉ khoanh một thôn, một xã thì ngay lập tức có thể khoanh rộng hơn, nhưng phải làm ngay các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ cần thiết để xác định đúng điểm mà cần khoanh vùng.

“Chúng ta khoanh gọn mà chặt, mà nghiêm thì mới tốt, chứ rộng mà hổng thì không hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, thay vì “truy đuổi dịch”, phải chăng chiến lược mới là ngăn chặn. Khoanh vùng chính là ngăn chặn, đó chỉ là cách diễn đạt khác. Sở y tế phải tham mưu lãnh đạo địa phương, Bộ Y tế củng cố lại hoạt động của tổ chuyên gia, có hướng dẫn cần thiết để khoanh vùng cho đúng”, ông Đam yêu cầu.

Từ 27/4 đến tối 10/5, Việt Nam phát hiện tổng cộng 458 người mắc Covid-19 được ghi nhận trong cộng đồng. Dịch Covid-19 xuất hiện tại 26 tỉnh, thành phố.

Hà Nội là nơi có nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước. Số lượng này bao gồm những bệnh nhân đang cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh) và Bệnh viện K.

Ca nhập cảnh được công bố vào tối 10/5 là bệnh nhi 2 tuổi. Bé đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh).

Hồng Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều