Ngập lụt ở Tây Nguyên và Phú Quốc gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng là do mưa
Lượng mưa kỷ lục trong thời gian ngắn, hệ thống sông, suối ở Tây Nguyên và Phú Quốc nhỏ khiến nước thoát không kịp, dẫn đến ngập nặng.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trận lũ ba ngày ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã làm 10 người chết, một người mất tích. Hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, gần 20.000 ha cây trồng bị thiệt hại; hơn 120.000 gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; 124 ha nuôi cá và 4.300 m3 lồng bè bị cuốn trôi.
Nhiều tuyến đường, kênh thủy lợi, đập bị hư hỏng, sạt lở. Hai hồ chứa thủy điện Đăk Kar và Đăk Sin 1 (cùng ở huyện Đăk R’lâp, tỉnh Đăk Nông) gặp sự cố, hư hỏng. Thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó Phú Quốc 107 tỷ.
Về nguyên nhân ngập lụt, ông Tạ Đăng Hoàn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên cho biết, Tây Nguyên đã xuất hiện mưa lớn bất thường tại nhiều khu vực. “Địa bàn vẫn xảy ra những trận mưa lớn trên diện rộng nhưng chưa có năm nào lớn dồn dập trong thời gian ngắn như vừa qua”, ông Hoàn nói.
Trung bình 10 ngày đầu tháng 8 hàng năm lượng mưa tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 100 mm. Tuy nhiên, tổng lượng mưa trong ba ngày (từ ngày 6 đến 9/8) ở Đăk Lăk vượt 300%, Đăk Nông vượt 200%, Lâm Đồng 400% và cá biệt có nơi lên đến 500%.
Theo ông Hoàn, mưa lớn ở Tây Nguyên từ trước đến nay chủ yếu do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, bên cạnh ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Tháng 8 hàng năm, khi gió mùa Tây Nam hoạt động thì Tây Nguyên xuất hiện mưa vào chiều tối. Những ngày qua, cùng với gió mùa Tây Nam, Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới (đường hội tụ giữa hai đới gió Đông Bắc với gió Tây Nam trên vùng nhiệt đới) gây mưa lớn kỷ lục kéo dài.
Với hệ thống sông suối nhỏ, đô thị hóa ở Đăk Lăk và Lâm Đồng diễn ra nhanh khiến nước không thoát kịp và thủy điện xả lũ gây lũ lụt nặng nề. “Chưa thể xác định nguyên nhân chính gây lũ ở Tây Nguyên, nhưng không loại trừ do khai thác gỗ quá mức”, ông Hoàn nói và cho biết may mắn là địa hình đồi núi thấp, mặt bằng lớn nên không xảy ra sạt lở, lũ quét như một số vùng ở phía Bắc.
Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lâm Đồng nhận định, ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngập lụt còn do tình trạng gia tăng nhà kính. Theo số liệu cuối năm 2018, tỉnh Lâm Đồng có 4.400 ha nhà kính (chiếm 50% diện tích sản xuất sản nông nghiệp), tăng gấp gần 5 lần so với năm 5 trước.
“Lượng nước lớn không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh. Ngoài ra, tình trạng san ủi không đúng quy hoạch khiến hệ thống thoát nước bị thu hẹp”, ông Sơn nói.
Tại Phú Quốc, Kiên Giang hôm qua đã ngớt mưa, hửng nắng. Những nơi ngập sâu trên đảo nước đang rút. Địa phương huy động hàng trăm người giúp dân vùng ngập sửa chữa nhà cửa, xử lý môi trường phòng dịch bệnh bùng phát sau lũ.
Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang cho biết, 9 ngày qua, Phú Quốc mưa rất lớn, cao nhất trong lịch sử quan trắc từ 1978 đến nay. Bình quân mỗi năm, lượng mưa ở Phú Quốc khoảng 2.800 mm. Trong đó, lượng mưa trung bình tháng 8 hàng năm là 458 mm. Riêng trong 9 ngày đầu tháng 8, lượng mưa trên đảo đo được 1.152 mm. Trong đó, trận mưa tối 8-9/8 lên đến 357,9 mm.
Theo ông Hiền, đợt triều cường rơi vào thời điểm gió mùa Tây Nam mạnh làm cho nước biển ở Phú Quốc dâng cao, cùng mưa lớn đã gây ngập lụt nặng nề tại hòn đảo này.
UBND huyện Phú Quốc cho rằng, ngập lụt nặng nề này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặt khác, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông đã được xây dựng 16 năm trước, chỉ phù hợp với mật độ dân cư 10.000 – 12.000 lúc đó. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, người đông, riêng thị trấn Dương Đông đã trên 50.000 dân, kéo theo tình trạng sông rạch, ao hồ tự nhiên bị lấn chiếm, san lấp khiến nước không còn đường thoát – ngập lụt nghiêm trọng hơn.
(Theo VnExpress)