+
Aa
-
like
comment

Ngập ‘cuốn trôi’ hàng tỉ USD

11/06/2020 07:06

Chỉ trong 5 năm, TP.HCM đã phải chi hơn 1 tỉ USD cho các dự án, công trình chống ngập nhưng tình trạng cứ mưa là ngập vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Đường Nguyễn Văn Khối (Q.Gò Vấp) ngập sau cơn mưa ngày 10.6 /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt - Đồ họa: Đông Xuân

Tại buổi họp báo mới đây, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết từ đầu năm đến nay, TP.HCM có mưa trên diện rộng, trong đó có 3 trận mưa lớn gây ngập 22 tuyến đường. Chiều sâu ngập đo được tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường từ 0,10 – 0,30 m.

Đại diện Sở Xây dựng đánh giá so với thời điểm trước, công tác giảm ngập của TP đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong 5 năm triển khai chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 – 2020, TP đã giải quyết 25/36 tuyến đường trục chính bị ngập, đạt 69% chỉ tiêu.

Những năm trước, với cường độ mưa là 112,3 mm, TP ngập nhiều tuyến đường (năm 2008 là 126 tuyến đường), thời gian nước rút chậm (kéo dài 4 – 6 tiếng). Hiện nay sau khi TP đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường, chiều sâu và thời gian ngập, đặc biệt ở khu vực trung tâm. Cụ thể, 22 tuyến đường bị ngập nhưng chỉ 15 – 40 phút sau mưa là trở lại bình thường, nước rút hết.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Sở Xây dựng chỉ tính các tuyến đường trục chính. Còn rất nhiều các tuyến đường hẻm, vùng ven thuộc quản lý của các quận, huyện thì đơn vị này chưa nắm được.

Đáng chú ý, cũng theo thông tin từ Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, giai đoạn 5 năm qua, số kinh phí ngân sách TP đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỉ đồng năm 2016, cao nhất là khoảng 2.222 tỉ đồng vào năm nay. Các dự án giải quyết ngập theo hình thức PPP là 9.927 tỉ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỉ đồng. Tổng cộng, toàn bộ kinh phí đã “đổ” vào công tác chống ngập từ 2016 – 2020 là 25.998 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD nhưng ngập vẫn hoàn ngập, cứ mưa là ngập khiến người dân ngày càng bức xúc.

Ông Vũ Văn Điệp lý giải có nhiều nguyên nhân gây ngập cho TP.HCM. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa TP diễn ra quá nhanh, hệ thống hạ tầng thoát nước không thể theo kịp. Thứ hai, hiện tượng thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn vũ lượng cao, thời gian mưa ngắn diễn ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung cũng như công tác thoát nước nói riêng đã được đầu tư quá lâu, duy trì cho tới bây giờ nên thiết kế không đủ đáp ứng được năng lực tiêu thoát hiện nay. Các trận mưa vũ lượng lớn vượt quá thiết kế gây quá tải hệ thống thoát nước.

Ngoài ra, người dân ý thức kém thường xuyên vứt rác bừa bãi, trôi xuống gây tắc hố ga thoát nước, nghẽn dòng kênh, rạch. “Đặc biệt, hệ thống kênh rạch có vị trí xung yếu thoát nước cho cả khu vực nhưng bị lấn chiếm nhiều, dòng chảy thu hẹp nghiêm trọng. Nhiều vị trí đã được hợp pháp hóa giấy tờ, trách nhiệm giải tỏa thuộc UBND các quận, huyện nhưng tiến độ rất chậm”, vị này cho hay.

Hoàn thành dự án “đinh” vẫn chưa chắc thoát ngập

Riêng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), ông Vũ Văn Điệp thông tin: Chiều sâu ngập trong thời gian mưa là 0,30 m, nước rút hết sau khi tạnh mưa là 15 phút. Hiện nay tuyến đường này đang sử dụng hệ thống bơm có công suất từ 27.000 m3/giờ đến 96.000 m3/giờ để tăng cường khả năng thoát nước, đồng thời đang triển khai thi công dự án sửa chữa, nâng cấp hạ tầng cấp nước đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuy nhiên, bàn về khả năng hết ngập của đường Nguyễn Hữu Cảnh khi hoàn thành dự án nâng cấp, có cần tiếp tục sử dụng “siêu” máy bơm nữa không, ông Vũ Văn Điệp trả lời: “Tôi đánh giá sau khi dự án hoàn thành, tuyến đường này sẽ hết ngập. Tuy nhiên, các tuyến đường lân cận vẫn giữ nguyên cao độ nên khả năng tình trạng ngập khu dân cư hai bên đường vẫn chưa thể giải quyết được. Sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng lại hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh, chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi để đánh giá hiệu quả chống ngập đối với dự án xây dựng này, sau đó sẽ có báo cáo để UBND TP quyết định. Nếu sau khi được đầu tư xây dựng, đường Nguyễn Hữu Cảnh không còn ngập thì TP sẽ không sử dụng máy bơm chống ngập. Nếu vẫn còn ngập và gây ngập cho các khu vực xung quanh thì vẫn phải tiếp tục duy trì hệ thống bơm thông minh”.

Không chỉ đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những dự án chống ngập quy mô lớn, được kỳ vọng nhiều nhất hiện nay là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng (Công ty TNHH Trung Nam làm chủ đầu tư) dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay nhưng cũng bỏ ngỏ câu trả lời cho câu hỏi “Có giúp TP hết ngập hay không?”.

Đại diện chủ đầu tư giải thích: Dự án này thuộc quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Nếu trước đây thủy triều đạt mức 1,5 m – >1,7 m TP sẽ ngập thì sau khi dự án đi vào hoạt động, có thể ngăn triều lên tới mức 3 m. Tuy nhiên, nếu các dự án tổng thể hoàn thiện mạng lưới thoát nước theo quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả.

TS Nguyễn Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định: “Trước thiên tai, con người phải xác định có thể xây dựng phương án dự phòng bằng cách tích hợp nhiều giải pháp nhưng xuyên suốt phải theo tôn chỉ thích ứng, thích nghi chứ không chống lại tự nhiên”.

PV/TN

Bài mới
Đọc nhiều