+
Aa
-
like
comment

Ngành Y tế Việt Nam xứng đáng nhận những lời khen ngợi

12/02/2020 20:48

Với sự khẩn trương vào cuộc đồng bộ của các trung tâm y tế từ tuyến Trung ương đến địa phương, sự đoàn kết của các bộ ban ngành, nhân dân trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng, Việt Nam có sơ sở tin tưởng sẽ sớm khống chế, đẩy lùi được dịch viêm phổi cấp cho virus Corona (nCoV) gây ra.

Hình ảnh phân lập virus Corona được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu thành công.

Dịch Corona vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại

Theo thông tin được biết, tính tới 17h00 ngày 12-2-2020 trên tòan thế giới đã có 45.171 người mắc bệnh và 1.115 người tử vong, riêng Trung Quốc có 1.113 người. Để ngăn chặn virus lây lan nhanh, các nhà chức trách Trung Quốc đã phong tỏa một phần hơn 80 thành phố ở gần 20 tỉnh kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Một loạt các biện pháp gắt gao, trong đó có hạn chế đi lại của người cùng phương tiện, đang được thực hiện trên khắp đất nước này.

Ngoài Trung Quốc, nCoV hiện đã lan đến ít nhất 27 quốc gia. Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về những trường hợp lây nhiễm virus corona ở những người chưa từng tới Trung Quốc. “Việc phát hiện một số lượng nhỏ các trường hợp nhiễm bệnh có thể chỉ ra tình trạng lây bệnh rộng khắp hơn ở một số quốc gia. Nói ngắn gọn là chúng ta có lẽ chỉ mới thấy phần nổi của tảng băng”.

Diễn biến tình hình dịch nCoV ở Việt Nam, sáng 11/2, Bộ Y tế xác nhận bệnh nhân thứ 15 là một bé gái 3 tháng tuổi. Bệnh nhân là bé N. G. L. (sinh ngày 05/11/2019) ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 15 người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 10 trường hợp. Trong đó, có 6 bệnh nhân đã được ra viện, 9 bệnh nhân còn lại, gồm 2 bệnh nhân ở TP.HCM tình trạng sức khoẻ ổn định; các bệnh nhân được điều trị tại Vĩnh Phúc trong tầm kiểm soát.

Vĩnh Phúc là địa phương ghi nhận số ca nhiễm virus corona mới nhiều nhất trên cả nước với 10/15 ca mắc bệnh. Ngoài 5 bệnh nhân thuộc nhóm cùng trở về từ Vũ Hán trên một chuyến bay, 5 bệnh nhân còn lại đều là người tiếp xúc gần với bệnh nhân N.T.D (1 trong 5 công nhân nhiễm bệnh).

Lúc dịch bệnh là lúc các bộ ngành, địa phương càng cần quán triệt thật sát sao chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phải xem đó như mệnh lệnh thời chiến. Ai, địa phương nào không chấp hành thì phải xử nghiêm minh, nhanh chóng để răn đe. Chỉ có vậy, chúng ta mới chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này.

Y tế Việt Nam tỏa sáng giữa đại dịch Corona

Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công nCoV là một trong những “điểm sáng” của y học Việt Nam
Để đối phó, ngăn chặn dịch nCoV, ngành y tế những ngày qua đã rất nỗ lực tuyệt vời khiến cho không chỉ người dân trong nước, mà WHO cũng phải công nhận những tiến triển về y học Viêt Nam. Những con số rất khách quan như sau:

Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV trong phòng thí nghiệm. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 nuôi cấy thành công virus này.

Nghiên cứu, phát triển vắc-xin tại Viên Văcxin và các sinh phẩm y tế ở TP. Nha Trang.

Virus vừa được nuôi cấy sau chỉ 72 giờ phân lập, một thành tựu đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước có thể nuôi cấy corona mới. Đã chữa trị thành công cho ít nhất 6 trường hợp dương tính. Và chỉ có 15 trường hợp nhiễm, 0 tử vong, trong khi số ca nhiễm virus toàn thế giới lên tới 42.000 người, hơn 1000 người tử vong…

Những con số ấy vừa mang ý nghĩa thành tựu y học, vừa cho thấy các biện pháp mà Chính phủ áp dụng vừa trúng, vừa đúng, vừa hiệu quả. Và nếu xét dưới góc độ y học, nó chính là một bảo chứng xuất sắc cho uy tín của y tế Việt Nam, ngay cả trong cách ứng phó với dịch bệnh toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park đánh giá rất cao việc Việt Nam đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus nCoV trong phòng thí nghiệm. “Việc nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona trong phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy Việt Nam có hệ thống xét nghiệm bệnh dịch rất phát triển. Việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho công tác xét nghiệm những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV thông qua các mẫu thử. Qua đó, mỗi ngày Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết”.

Tiếp theo, các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu thử nghiệm đánh giá hiệu quả và tính an toàn trong việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV. Lopinavir/ritonavir được biết đến là một loại công thức phối hợp liều cố định để điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS.

Nói về thành tựu y học, nhân đây xin mở rộng một chút, hẳn người Việt Nam có lẽ ai cũng phải tự hào khi trước đó, chúng ta đã thành công với việc nội soi tuyến giáp một lỗ. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công. Rồi năm 2018 cũng ghi nhận việc lần đầu tiên các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân. Ngày 12/12/2018, kíp mổ với thành phần 100% các thầy thuốc của BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia đang dần vươn lên vị trí quan trọng trong danh sách các nước sản xuất vắc xin trên thế giới. Trong năm 2018, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC – Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vắc xin cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Cùng với đó, ngày 13/12/2018, dự án sản xuất vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (POLYVAC) thực hiện, đã hoàn thiện quy trình sản xuất vắc-xin sởi, vắc-xin phối hợp sởi – rubella và sản xuất thành công vắc xin chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)…

Từ những thành tựu nói trên, sẽ không quá lời khi nói rằng vị thế của ngành Y tế Việt Nam đang ngày càng được tô đậm trên bản đồ y tế thế giới với những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, tạo nên những thành công có tầm lan tỏa quốc tế. Trở lại với những nỗ lực của ngành y trong phòng chống dịch nCoV, việc nuôi cấy và phân lập được nCoV trong thí nghiệm sẽ giúp Việt Nam chủ động được việc xét nghiệm, về dài hạn có thể phát triển vắc-xin.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều