Ngành “trụ đỡ” cho nền kinh tế lúc khó khăn
Từ khi biên độ mới được áp dụng, tỷ giá trung tâm đã vượt quá 24.500 VND/USD, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% ngày một trở nên thách thức, cùng với đó là kế hoạch cắt giảm lãi suất cho vay phục hồi có nguy cơ bị lùi vô thời hạn. Đồng USD sẽ còn tăng đến đâu? Suy thoái toàn cầu sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Và ngành nào có thể trụ đỡ cho nền kinh tế lúc khó khăn?
Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã cho biết “Việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn”. Nguyên nhân chính là do chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ ngày một quyết liệt và đang kéo theo nhiều đợt tăng lãi suất khác trên khắp thế giới.
Theo thống kê của NHNN, năm 2021, thế giới đã có 113 lượt tăng lãi suất điều hành. Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có thêm 269 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Vừa qua các quan chức FED đã cho biết sẽ không có giới hạn trong việc nâng lãi suất, khi chừng nào lạm phát chưa về mức 2%. Và trong bối cảnh đồng tiền các nước liên tục leo giá, đặc biệt là đồng USD, tỷ giá USD/VND đã tiếp tục có xu hướng gia tăng đã gây sức ép lớn lên lãi suất tiền Đồng.
Nhìn vào tình hình vĩ mô đó, cho thấy thị trường đã không tạo điều kiện cho Việt Nam hạ lãi suất để ổn định cho vay. Lạm phát ở Mỹ quá cứng đầu, và khiến cho FED không thể bước lùi. Theo một nhà đầu tư nổi tiếng ở phố Wall Mỹ Stanley Druckenmiller cho rằng: “Một khi lạm phát vượt lên quá 5%, nó sẽ không bao giờ trở lại khi nào lãi suất của Fed chưa cao hơn lạm phát”. Thực tế này khá đáng sợ, và càng đáng sợ hơn khi nhìn về lịch sử đã cho thấy câu nói trên khá đúng.
Nhìn vào những giai đoạn trước đây, năm 80, nếu đỉnh lạm phát ở 14.8%, thì lãi suất phải tới 20%. Năm 70 lạm phát 12.3% thì lãi suất phải lên tới hơn 13%. Hiện nay lạm phát cao nhất đang ở mức 9,1%, và rất cứng đầu nên rất có nguy cơ lãi suất mỹ sẽ cần lên cao hơn nữa, lãi suất Mỹ hiện chỉ đang ở mức 3.25%. Tác động sẽ là rất lớn nếu lãi suất ở Mỹ quá cao, một loạt vấn đề sẽ diễn ra như dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi thị trường, các nhà đầu tư bán tháo tài sản và chọn cách giữ tiền mặt, tỷ giá tiếp tục leo thang khiến mục tiêu giữ lạm phát sụp đổ, nhiều doanh nghiệp khó đi vay, hoặc phải vay với lãi suất cao, áp lực trả nợ khiến cho hoạt động kinh doanh gặp khó hoặc thậm chí là phá sản,…
Với đặc điểm là nền kinh tế có độ mở cao nên gần như tất cả diễn biến mới trên thế giới đều sẽ thẩm thấu tới Việt Nam. Trong đó đặc biệt là áp lực lên tỷ giá sẽ còn rất lớn trong cuối năm 2022 và cả năm 2023. Tỷ giá tăng tức làm tăng nguy cơ lạm phát. Vì vậy càng khó để NHNN giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Vậy làm sao để Việt Nam có thể giữ ổn định qua được một tình hình vĩ mô bất ổn như vậy?
Cần ngành trụ đỡ cho nền kinh tế lúc khó khăn
Như đã nói ở trên, NHNN thông báo việc giảm lãi suất sẽ khó khăn, vì vậy mục tiêu tối thiểu nên là ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, nếu không giảm được thì cần ổn định, tránh để nó tăng, gây hại đến sức khỏe nền kinh tế. Mà để như thế thì hệ thống ngân hàng cần hy sinh lợi nhuận.
Một trong những nhiệm vụ gần đây mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung là: “Tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay”. Dưới góc nhìn của TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đây là một nhiệm vụ đòi hỏi sự chung tay của ngành ngân hàng.
Phải thấy rằng nếu lãi suất cho vay tăng nhanh, đồng nghĩa doanh nghiệp phải đi vay với chi phí cao và hoạt động của họ khó khăn lên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể trả được vốn vay.
Bài học cho vấn đề này đã được minh chứng rất rõ trong giai đoạn 2008 và 2009. Lãi suất cho vay cao để lại hậu quả là các doanh nghiệp không có khả năng trả vốn. Kéo theo tình hình nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng đột biến ở những năm 2012 và sau đó.
Áp lực bủa vây nền kinh tế từ bên ngoài hiện đang rất lớn. Và nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để giữ mọi thứ không tồi tệ hơn. Vì vậy, ngành ngân hàng cần đồng hành với nền kinh tế, xem xét hy sinh lợi nhuận để ổn định lãi suất vay cho doanh nghiệp. Đảm bảo sức khỏe chung cho nền kinh tế an tâm vượt bão lãi suất.
Huy Hoàng