Ngành tòa án dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý – chưa cần thiết và chưa hợp lý
Trong những ngày này, dư luận xã hội được nhận nhiều thông tin về việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định chọn hình mẫu vua Lý Thái Tông thời phong kiến làm tượng thần công lý đặt tại trụ sở của các toà án trên cả nước, và hiện đang tổ chức lấy ý kiến chọn mẫu tượng của cán bộ, công chức ngành toà án trong vòng 3 ngày.
Việc lựa chọn hình mẫu thời phong kiến làm tượng thần công lý đặt tại các toà án trên cả nước trước hết đây là một việc hệ trọng, mang tính quốc gia, mang tính ổn định lâu dài. Để làm được những tượng và hình mẫu biểu tượng của công lý cho cán bộ, công chức toà án không phải chuyện đơn giản, nhất định phải lấy ý kiến từ nhân dân và do quốc hội hoặc nguyên thủ quốc gia phê chuẩn.
Lý do mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định chọn hình mẫu vua Lý Thái Tông bởi vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư – bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử VN, khai mở nền pháp luật thân dân Việt Nam. Ngoài ra, ông đã đúc chuông để người dân nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ lên Hoàng đế để được thấu xét; ông cũng rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông.
Việc đề xuất xây dựng tượng của toà án là một việc làm hệ trọng, không phải chuyện “để đùa”, nhất là khi xây dựng ở 63 tỉnh thành con số tượng rất lớn và ngân sách cho việc xây dựng tượng chắc chắn sẽ không thấp tí nào.
Nội bộ ngành toà án tự nhiên “chọn mẫu” tượng và kết luận để tiến hành xây dựng tượng là hoàn toàn không phù hợp. Bởi trước hết muốn tôn vinh, chọn ai làm biểu tượng thì cần phải có sự phối hợp giữa Viện KSND tối cao, Bộ Công an và Bộ tư pháp. Nếu không thì cả 3 đơn vị lại đi chọn 3 hình mẫu khác nhau làm biểu tượng công lý thì thử hỏi liệu rằng lúc đó công lý sẽ biển tượng theo 3 mặt khác nhau hay sao?
Nếu hình tượng mẫu của hội đồng thẩm phán TAND tối cao được phê duyệt, thì chắc chắn sẽ “bật đèn xanh” cho các ngành khác. Ngành y tế sẽ tìm thêm một nhân vật làm hình tượng mẫu, thay vì biểu tượng chung là hình con rắn quấn quanh cây gậy phép của thần Esculape; ngành giáo dục sẽ cho đúc tượng Khổng Tử hoặc Chu Văn An hoặc một nhân vật nào đó khắp cả nước….
Hơn nữa, có rất nhiều lý do để việc hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định việc đặt tượng vua Lý Thái Tông nhằm mục đích nêu cao công lý. Bởi ngay việc sử dụng một hình mẫu của chế độ quân chủ – chế độ phong kiến theo quan hệ xã hội chỉ có vua -tôi, một người đứng trên triệu người để chỉ tay trị vì thiên hạ theo ý cá nhân là cũng chưa được hợp lý cho lắm.
Không phủ nhận công lao và những kết quả tốt đẹp về vua Lý Thái Tông và con đường xây dựng đất nước của ông, nhưng xét về góc độ lịch sử việc dựng tượng vua cầm cái cân công lý, hoặc cuốn sách pháp luật hoàn toàn chưa phù hợp với lịch sử dân tộc.
Cái cân công lý vốn dĩ là biểu tượng của Nữ thần công lý, một nhân vật được cách điệu hoá để trở thành biểu tượng cho công lý, pháp luật và hệ thống tư pháp trên thế giới.
Còn nhớ, năm 2014 cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành, của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội (NXB LĐ- XH) có bìa là hình diễn viên hài Công Lý đứng trên quả cầu lửa, hai tay cầm hai cán cân và trên người chỉ mặc độc một chiếc quần con.
Câu chuyện này bị nằm giữa 2 bi kịch đó là bi kịch về sự khôi hài khi công lý trong xã hội chỉ giống như một diễn viên hài. Và bi kịch về tầm nhìn của những người lựa chọn bìa sách, tức là người viết sách và kiểm duyệt sách đều thiếu tính tôn trọng pháp luật.
Còn thực tế hơn, ở góc độ mặt kinh tế khi Việt Nam vẫn còn nghèo mà chưa lựa chọn sự nhất quán về hình tượng, thì đây có thể coi là hành vi lãng phí. Nếu con số tạc tượng ở 63 tỉnh thành chắc chắn sẽ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Con số này nếu đem để trích thưởng cho các cán bộ, thẩm phán có năng lực tốt hoặc đầu tư vào xây dựng cơ sở giáo dục tư pháp, đào tạo cán bộ tư pháp ở các vùng kém phát triển thì ý nghĩa hơn nhiều lần.
Mặc dù vẫn chưa có thống kê chính xác về số tượng đài ở Việt Nam, nhưng tính ra hiện nay Việt Nam có khoảng 400 tượng đài, với vốn đầu tư từ hàng chục tỉ đến vài trăm tỷ, thậm chí đó là chưa tính những đề xuất kiểu xin xây dựng tượng đài và quảng trường nghìn tỷ như Sơn La.
Việc xây dựng tượng đài mới chỉ nổi trội từ 15 năm trở lại đây, phong trào lập dự án xây tượng đài mới nở rộ khắp các tỉnh thành cả nước. Đặc biệt việc xây dựng vẫn theo kiểu “núi cao có núi cao hơn” tượng sau càng có xu hướng hoành tráng và cao to hơn tượng trước.
Điều này là việc cần đặc biệt đáng để suy nghĩ. Dù tiền đó lấy từ ngân sách hay từ nguồn vốn hội hoá, thì cũng nên được đầu tư đúng mục đích. Xây dựng tượng đài tràn lan sẽ không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn làm nghèo đi, sai lịch sử văn hoá của dân tộc.
Ngày 10/3 vừa qua, TAND tối cao ra văn bản hỏa tốc về phòng, chống dịch Covid-19 gửi đến hệ thống tòa án. Theo đó, Chánh án TAND tối cao yêu cầu từ nay đến hết tháng 3, Chánh án các tòa án, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tập trung chỉ đạo và thực hiện các nội dung: Tạm dừng nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở các tòa án. Qua đó, tòa án thông báo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thông qua dịch vụ bưu chính, gửi trực truyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của tòa án.
Việc cần làm của TAND tối cao lúc này hơn hết nên là giải quyết các thủ tục vướng mắc, những văn bản “chất đống” sau dịch bệnh Covid-19. Thay vì ngồi chờ dịch qua đi mà đưa ra hình tượng xây dựng tượng hoàn toàn chưa phù hợp.
Theo tinh thần của Hiến Pháp 1946 được triển khai từ bản Sắc lệnh số 13 năm 1946 (ngày 24/1) do chính Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh dự thảo để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Điều 47 sắc lệnh số 13 này quy định: “Tòa án tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính. Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý, các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”.
Chính vì thế, công lý không nên là một nhân vật cụ thể mà chúng ta hãy cống hiến cho nền tư pháp nước nhà trở nên công bằng, dân chủ và văn minh hơn.
Đinh Lực
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả