+
Aa
-
like
comment

Ngành Thuế đề nghị Grab có trách nhiệm với người lao động

13/12/2020 12:25

Mặc dù vấp phải sự phản đối của hàng trăm lái xe GrabBike về tỷ lệ khấu trừ cao nhưng Grab Việt Nam vẫn bảo lưu tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác lái xe GrabCar và GrabBike. Trước tình hình trên, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Công ty TNHH Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Chú thích ảnh
Các lái xe GrabBike phản đối thu thuế VAT bất hợp lý. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.

Hiện, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với lái xe GrabBike được Grab Việt Nam tăng từ 20% lên 27,273% và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với lái xe chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

“Grab sẽ hoàn trả thuế giá trị gia tăng – VAT cho lái xe nếu cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn chính thức, điều chỉnh hợp lý hơn. Còn hiện tại, Grab vẫn giữ nguyên tỷ lệ khấu trừ hơn 27,2% (áp dụng từ ngày 5/12) với lái xe GrabBike trên mỗi cuốc xe”, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, đại diện Grab cũng nhìn nhận: Nghị định 126/2020/NĐ-CP đang còn một số vấn đề chưa phù hợp, bất cập ảnh hưởng tới thu nhập của lái xe. Văn bản pháp lý này đang áp dụng thực hiện từ mô hình kinh doanh vận tải truyền thống sang mô hình Grab. Từ ngày đầu tiên Nghị định được soạn thảo, tháng 5/2020, Grab đã gửi góp ý về dự thảo đến Tổng cục Thuế và Văn phòng Chính phủ đề nghị những phương án phù hợp hơn với mô hình kinh doanh, nhưng về phía Grab vẫn chưa nhận được phản hồi.

Theo tính toán của một số chuyên gia tài chính, với việc tăng 5% giá cước, tăng mức khấu trừ với lái xe lên 27,27% khi thực hiện Nghị định 126, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu được 1 – 3,7 lần so với trước nhưng phần chênh lệch này được Grab đẩy sang khách hàng và lái xe. Khách hàng sẽ phải trả cước nhiều hơn trong khi thu nhập lái xe nhận về sẽ giảm 1,5 – 4,5%.

Ví dụ, với cuốc xe ngắn 12.000 đồng, trước đây khấu trừ doanh thu 20% số tiền lái xe GrabBike nhận được là 9.600 đồng, nay áp thêm thuế VAT 10% thì chỉ còn 8.400 đồng. Trong khi đó, theo ý kiến của các lái xe GrabBike, số tiền thuế VAT này lẽ ra là thu từ khách hàng nhưng Grab lại thu từ lái xe.

Trong công văn gửi Tổng cục Thuế mới đây, Hiệp hội taxi Thành phố (TP) Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng đều bày tỏ sự ủng hộ Nghị định 126. Xung quanh việc Grab tăng tỷ lệ chiết khấu đối với lái xe, Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Grab đã tính toán để kéo mọi quyền lợi cho mình.

“Việc xác định hoạt động của Grab là hoạt động kinh doanh vận tải là đúng bản chất. Điều này đã được quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, đại diện Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh nêu ý kiến.

Đề cập đến Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề thuế VAT đã được áp dụng bình đẳng cho các loại hình vận tải. “Đây là hành lang pháp lý quan trọng để mọi loại hình kinh doanh vận tải phải tôn trọng và thực thi. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ nghị định này”, nội dung công văn của Hiệp hội TP.Hồ Chí Minh nêu.

Xung quanh việc Grab tăng tỷ lệ chiết khấu đối với lái xe, đại diện Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh phân tích: Việc Grab tăng giá cước (GrabBike từ 3.400 lên 4.000 đồng/km; GrabCar từ 500 – 1.000 đồng/km); áp dụng tính cước theo thời gian di chuyển từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút; tăng khấu trừ đối với lái xe từ 20% lên 27%; áp dụng cái gọi là thu phí nền tảng 2.000 đồng/cuốc. Điều này cho thấy Grab đã tính toán để kéo mọi quyền lợi về cho mình.

Theo Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Nghị định 126 quy định “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế, tổ chức có trách nhiệm khai thuế VAT với toàn bộ doanh thu của hoạt động” là rõ ràng và đúng bản chất. Với quy định này, Grab rõ ràng là tổ chức phải khai thuế và nộp thuế VAT thay người tiêu dùng. Nhưng với cách tính nội bộ của Grab hiện nay, gánh nặng lại đè lên vai lái xe. Khi cơ quan thuế khấu trừ thì ai là người thụ hưởng, Grab hay lái xe?

Sau khi có buổi làm việc với đại diện Grab về nội dung Nghị định 126/2020/NĐ-CP vào ngày 9/12, ngày 11/12, Tổng cục Thuế tiếp tục có công văn yêu cầu Grab thận trọng khi phát ngôn và cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động. Dù đã lắng nghe ý kiến phát biểu, giải trình của Grab về việc tăng giá và tăng chiết khấu đối với khách hàng (lái xe), tuy nhiên theo Tổng cục Thuế, Grab chưa cung cấp đầy đủ thông tin về việc tăng giá và tăng mức khấu trừ thuế đối với lái xe là do ảnh hưởng của Nghị định 126.

Theo Tổng cục Thuế, trong buổi làm việc với Grab, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng có ý kiến khẳng định, hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải. Công ty TNHH Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Công ty TNHH Grab quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có thay đổi về điều kiện giao thông, thời tiết…), lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe…

“Quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126 là nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân. Nghị định 126 quy định cụ thể trách nhiệm khai thuế của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân – không phải quy định mới về chính sách thuế VAT. Chính sách thuế VAT đối với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế VAT 10% như từ trước đến nay. Quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân lái xe. Lái xe chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nên không làm tăng giá cước vận tải”, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.

Để bù thuế VAT, xe “ôm” công nghệ Gojek cũng vừa tăng cước dịch vụ xe ôm công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh từ ngày 12/12. Tại Hà Nội, cước phí 2 km đầu tiên dịch vụ xe ôm (GoRide) tăng 1.000 đồng, lên 13.000 đồng. Giá cước sẽ tăng từ 4.000 lên 4.400 đồng cho mỗi km (sau 2km đầu tiên). Các mức tăng này tương đương với tỷ lệ hơn 8,3% – 10%. Tương tự, tại TP.Hồ Chí Minh, Gojek cũng tăng cước 2 km từ 10.000 lên 11.000 đồng. Mỗi km tiếp theo (sau 2 km đầu tiên) tăng giá từ 3.600 lên 4.000 đồng mỗi km.

Trước Gojek, Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ 5 – 6% từ ngày 5/12. Với dịch vụ “xe ôm” công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.

PV/VTC

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều