+
Aa
-
like
comment

Ngành muối sẽ bật tăng gấp đôi, tiến tới xuất khẩu để chăm sóc sắc đẹp?

23/06/2020 21:51

Một đề án tham vọng đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đưa ra để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 nhằm tăng gấp đôi sản lượng từ 1 triệu tấn hiện nay lên 2 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu muối trong nước và tiến tới xuất khẩu các sản phẩm muối biển tự nhiên chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 1,4-1,5 triệu tấn muối, nhưng năng lực sản xuất muối trong nước hiện chỉ có 1 triệu tấn.

Vì thế, mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 400.000-600.000 tấn muối, chủ yếu dùng trong công nghiệp hoá chất, công nghiệp thực phẩm và các ngành khác.

Ngành muối sẽ bật tăng gấp đôi, tiến tới xuất khẩu để chăm sóc sắc đẹp? - Ảnh 1.
Nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất muối đạt năng suất và sản lượng cao. Nắng nóng cũng giúp nâng cao chất lượng muối hạt… Ảnh: Mỹ Hà.

Vì thế, đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 đưa ra mục tiêu phát triển ngành muối Việt Nam hiện đại ngang tầm thế giới dựa trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế vùng/miền nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối.

Đến năm 2030, với diện tích 14.244ha, cả nước sẽ sản xuất 2 triệu tấn muối, đáp ứng nhu cầu muối trong nước và tiến tới xuất khẩu muối. Tổng nguồn lực để thực hiện đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 dự kiến cần khoảng 2.824 tỷ đồng.

“Công nghệ sản xuất muối phơi cát hiện nay thế giới chỉ có Việt Nam làm. Công nghệ này tạo ra muối nhạt, tập trung 16-18 vi lượng rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay, rất nhiều nước muốn nhập khẩu và mình hoàn toàn có khả năng xuất khẩu trở lại muối này” – ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

Ngành muối sẽ bật tăng gấp đôi, tiến tới xuất khẩu để chăm sóc sắc đẹp? - Ảnh 2.
Người dân làm muối thường có câu “làm một ngày, ăn cả năm”, tức là nếu sản xuất muối để phục vụ cho gia đình thì cả năm ăn không hết; nên chủ yếu là bán. Câu nói này trở thành “đặc sản” của người dân vùng biển. Ảnh: Mỹ Hà.
Ngành muối sẽ bật tăng gấp đôi, tiến tới xuất khẩu để chăm sóc sắc đẹp? - Ảnh 3.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế phát triển ngành muối do có bờ biển dài trên 3.200 km và bức xạ nhiệt cao. Theo Bộ NNPTNT, sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho khoảng 21.000 hộ diêm dân với hơn 51.000 lao động.

Tuy nhiên, hiện nhu cầu sử dụng đất cho các ngành là rất lớn, đặc biệt là đất cho phát triển kinh tế biển, đã lấy một diện tích không nhỏ đất sản xuất muối.

Vấn đề này đã gây nên tình trạng phá vỡ quy hoạch, phá vỡ hệ thống thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật của khu vực đồng muối.

Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, diện tích đất làm muối có xu hướng giảm do thu nhập từ sản xuất muối thấp nên diện tích sản xuất muối không ổn định, người dân tự chuyển đổi sang ngành nghề khác.

Năm 2010, diện tích sản xuất muối toàn quốc là 15.106 ha, đến năm 2018 giảm xuống chỉ còn 13.417 ha.

Không chỉ vậy, nhiều địa phương chưa chú trọng đầu tư chế biến muối sau thu hoạch nên muối diêm dân luôn dư thừa, trong khi nhiều doanh nghiệp lựa chọn muối nhập khẩu phục vụ cho chế biến.

Sản lượng muối bình quân trong những năm gần đây (2014-2018) của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,0 triệu tấn/năm nên mỗi năm nước ta phải nhập khẩu từ 400 – 600 ngàn tấn muối, dùng trong công nghiệp hoá chất, công nghiệp thực phẩm và các ngành khác.

Theo Bộ NNPTNT, nhu cầu sử dụng muối của nước ta hiện nay là khoảng từ 1,5- 1,6 triệu tấn/năm.

Dự báo đến năm 2030 nhu cầu này là khoảng 2 triệu tấn/năm, trong đó muối phục vụ công nghiệp hóa chất và công nghiệp thực phẩm khoảng 1,35 triệu tấn/năm, còn lại là muối ăn và các loại muối khác.

Đó là chưa kể đến nhu cầu muối biển chất lượng cao, giàu khoáng chất phục vụ xuất khẩu mà ngành muối chưa khai thác được.

“Phát triển ngành muối phải tiến hành đồng bộ các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ muối, gắn chuyển dịch cơ cấu sản xuất muối với đổi mới công nghệ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích. Quan trọng nhất là phải đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho diêm dân, tiến tới làm giàu bằng nghề muối” – Bộ NNPTNT khẳng định.

Theo định hướng, đến năm 2030 diện tích sản xuất muối cả nước là 14.244 ha, nhưng sẽ cho sản lượng gấp đôi so với hiện nay là 2 triệu tấn.

Để làm được điều này, Bộ NNPTNT chủ trương đầu tư phát triển diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp, hình thành vùng trọng điểm sản xuất muối quy mô công nghiệp tại các tỉnh Nam Trung Bộ.

Cùng với đó, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch, chế biến nhằm tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%.

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sẽ cho chất lượng muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp và tận thu các sản phẩm phụ (thạch cao và nước ót).

Mô hình kết tinh muối trên nền trải bạt ở các đồng muối phơi nước ở miền Nam đã góp phần giảm đáng kể cường độ lao động, thời gian kết tinh, nâng cao năng suất, chất lượng muối lên 1,2-1,5 lần và hiệu quả sản xuất cao hơn phương thức truyền thống từ 20 – 30%.

Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu muối và các sản phẩm chế biến khác từ muối phục vụ du lịch, y tế sức khỏe và làm đẹp.

Theo đó, Bộ xẽ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại các làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối tại Diêm Điền tỉnh Thái Bình, Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, Hòn Khói tỉnh Khánh Hòa và Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh.

Khương Lực/ DV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều