Ngành giáo dục, đường sắt, than khoáng sản ‘xin’ được về hưu sớm ở một số nghề
Quy định nâng tuổi nghỉ hưu có hiệu từ 1.1.2021, tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều ngành nghề như: giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất, thợ lò, nhân viên gác chắn tàu… vẫn mong muốn được về hưu sớm.
Đây là ý kiến của nhiều đại diện các bộ, ngành tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều nay 16.6..
Thống nhất với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 tuổi từ 1.1.2021 như trong bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, song ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam vẫn đề nghị cho giáo viên mầm non và nữ giáo viên dạy thể dục thể chất ở các trường học trên cả nước được về hưu ở tuổi 55.
Ông Ân bày tỏ: “Sau khi nghiên cứu lao động đặc thù ở một số loại hình giáo viên, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đề nghị bổ sung vào khoản 1, điều 4, dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu cho đối tượng giáo viên mầm non và nữ giáo viên giáo dục thể chất được về hưu ở tuổi 55”.
Theo ông Ân, qua khảo sát của công đoàn ngành đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy, có tới 93% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên thể chất được về hưu ở tuổi 55 và có 97% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên mầm non về hưu 55 tuổi.
“Đối với cả 2 ngành nghề này từ độ tuổi 55 trở đi sẽ không thể đảm bảo sức khỏe thực hiện các thao tác chuyên môn như: múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy thị phạm cho học sinh. Chất lượng giảng dạy không có hiệu quả cao khi họ ở độ tuổi 55 trở lên”, ông Ân nói.
Ông Phạm Hồng Hạnh, Phó chủ tịch Công đoàn Than – khoáng sản Việt Nam, kiến nghị cho lao động nam ở nhóm ngành nghề độc hại nghỉ hưu ở tuổi 50. Theo ông Hạnh, trong những năm qua, lao động thợ lò đang thiếu rất nhiều. Cuối năm 2019, có gần 1.000 thợ lò chấm dứt hợp đồng lao động ở tuổi 45, trong đó chỉ có 40 người chấm dứt ở tuổi 50. Điều này chứng tỏ không phải không nghỉ hưu được ở tuổi 50 mà hiếm có thợ lò làm việc đến 50 tuổi.
Ông Hạnh chia sẻ: “Càng ngày, người thợ lò càng phải đi sâu vào lòng đất. Có những vị trí càng áp dụng cơ giới hoá thì con người lại càng phải bỏ sức khoẻ để vận hành. Vì quá mệt, người lao động không thể ăn chiếc bánh mì trong hầm lò. Nhiều người nói thẳng, không thể nào làm việc quá tuổi 50. Vì thế, tôi đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của công nhân hầm lò là ở tuổi 50”.
Với ngành đường sắt, do đặc thù ngành nghề, hiện một số chức danh nghề nghiệp việc tuyển dụng cực kỳ khó khăn, như: trực gác chắn đường ngang, tuần đường, nhân viên điều độ, trực móc nối… Bà Dương Thị Mơ, Phó chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam bày tỏ: “Công nhân ngành đường sắt ở một số ngành nghề phải làm việc lưu động, chịu tiếng ồn, bụi, thường xuyên làm việc ngoài trời mà lương thấp. Ngành cũng mong muốn một số chức danh đó được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với luật quy định, nam 55 và nữ 53”
Trước ý kiến một số bộ, ngành đề xuất xin giảm tuổi nghỉ hưu, ông Cao Xuân Dương, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Hưng Yên), cho rằng nếu đưa ngành này vào danh sách nghề nặng nhọc độc hại để giảm tuổi nghỉ hưu thì các ngành khác cũng có thể có cơ sở để đưa ngành mình vào danh sách, trong khi ngành nào cũng có khó khăn, vất vả. Thành ra luật mới tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cuối cùng lại chẳng tăng được ngành nào.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thời điểm bộ luật Lao động có hiệu lực không còn xa, những vấn đề lớn quan trọng, trong đó có tuổi nghỉ hưu và điều kiện nghỉ hưu ở một số ngành nghề cần được xem xét, cân nhắc kỹ.
“Đây là vấn đề lớn, liên quan đến quá trình công tác cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là lao động trực tiếp sản xuất trong các ngành: dệt may, điện tử, giáo viên mầm non…; lao động các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong bối cảnh hiện nay, có những ngành ở đơn vị này được xác định là nặng nhọc độc hại, nhưng cũng ngành đấy ở nơi khác lại không”, ông Hiểu nói.
Cũng theo ông Hiểu, Công đoàn là tiếng nói của người lao động, nên tất các chính sách liên quan đến người lao động đều phải hỏi ý kiến công đoàn. “Tổng liên đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến gửi Bộ LĐ-TB-XH khi xây dựng dự thảo nghị định phải đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động”, ông Hiểu nói.
Thu Hằng/TN