Ngang ngược lập hai quận và âm mưu bằng bản đồ của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc đang đẩy thêm những bước đi ngang ngược “bằng bản đồ”, gây xói mòn nghiêm trọng lòng tin tại khu vực với việc lập quận và công bố “danh xưng tiêu chuẩn”.
Những động thái mới nhất ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang làm xói mòn mạnh mẽ lòng tin của các nước tại khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, theo các chuyên gia.
Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 18/4 đã phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Hai “quận” này lần lượt quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị chiếm đóng của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như bãi Macclesfield và bãi Scarborough, khu vực mà Bắc Kinh gộp chung gọi là “quần đảo Trung Sa”.
Cùng lúc, chính phủ Trung Quốc cũng công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, bao gồm 50 thực thể nằm ở đáy biển, trong phạm vi lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước.
Ngoài sự phi lý và ngang ngược trong những tuyên bố trên, có nhiều câu hỏi đặt ra về ý đồ của Trung Quốc và về thời điểm đưa ra các tuyên bố.
Các chuyên gia Biển Đông hàng đầu khu vực đồng ý rằng Trung Quốc đang tiếp tục làm xói mòn lòng tin tại khu vực và kết quả có thể sẽ ngược lại những gì Bắc Kinh muốn.
Chuyển hướng chú ý
“Những hành động mới đây dường như nhất quán với những gì Trung Quốc đã và đang làm trong những năm gần đây, đặc biệt sau 2012”, tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói với PV.
Ông Jay L. Batongbacal, giáo sư tại Đại học Luật thuộc Đại học Philippines ở Manila, đồng ý rằng Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành các bước đi này ngay cả khi thế giới đang không vướng bận gì.
“Trung Quốc đang lợi dụng để tối đa hóa khả năng mở rộng kiểm soát và hạn chế khả năng các nước bày tỏ phản đối mạnh mẽ đối với các hành động của Trung Quốc”, ông Batongbacal nói.
Năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “địa cấp thị Tam Sa” ở Biển Đông (địa cấp thị là thành phố cấp địa khu, một trong năm cấp hành chính ở Trung Quốc, dưới tỉnh trên huyện). “Thành phố” tự xưng này được giao quản lý vùng biển rộng khoảng 2 triệu km², bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cũng như cái gọi là “quần đảo Trung Sa”.
Trước đó, Trung Quốc đã có những động thái phá hoại hiện trạng như xây hai trạm nghiên cứu, thiết lập các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần trên các thực thể mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa.
Dù vậy, các tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn không ý nghĩa về mặt pháp lý mà “chỉ đánh lừa được dư luận”, theo tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
“Không có chuyện việc họ lập ra ‘quận Tây Sa’ và ‘quận Nam Sa’ làm xói mòn hay mất đi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền của Việt Nam được xác lập theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, ông nói với PV.
Bước đi ngang ngược bằng bản đồ
Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan.
“Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không có giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nói với các phóng viên hôm 23/4.
Philippines hôm 22/4 đã gửi liên tiếp hai công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, phản đối cách hành xử hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Một công hàm phản đối tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là địa phận của tỉnh Hải Nam nước này, liên quan đến việc lập hai “quận” mới.
Trong khi khẳng định các hành động của Trung Quốc là vô nghĩa theo luật quốc tế, chuyên gia Batongbacal của Philippines cho rằng việc lên tiếng phản đối lúc này là cần thiết để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc về lâu dài.
Trung Quốc “hy vọng rằng những bước đi nhỏ như thế sẽ không thu hút quá nhiều sự chú ý và sẽ bị cộng đồng quốc tế lờ đi, để vào lúc nào đó trong tương lai, họ có thể rêu rao rằng cộng đồng quốc tế đã chấp thuận và mặc nhiên thừa nhận những tuyên bố đó”, ông nói.
Ông Trần Công Trục lưu ý rằng việc công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cũng nằm trong toan tính “hành chính hóa” của Trung Quốc mà nước này đã tiến hành nhiều lần.
“Đây được coi là cuộc xâm lược bằng tên gọi, xâm lược bằng bản đồ”, ông Trục nói. “Mà xâm lược bản đồ này có hiệu quả đấy. Nay người Việt Nam chúng ta nhiều tài liệu phải đề cập đến cách gọi của họ”.
Ông nói việc sử dụng tên gọi nào “không có ý nghĩa về pháp lý”, nhưng Trung Quốc có thể cho rằng “anh dùng tức là anh thừa nhận”. “Bản đồ và tên gọi là cách thức, là thủ thuật để Trung Quốc có được sự mặc nhiên thừa nhận”, ông nói.
Giáo sư Batongbacal cho rằng hành động của Trung Quốc, ngược với ý đồ của họ, đã gây xói mòn lòng tin một cách nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, và rốt cuộc sẽ “phản tác dụng”.
Tiến sĩ Trần Công Trục
“Bối cảnh hiện nay cho thấy Trung Quốc không những không đáng tin mà còn tận dụng mọi cơ hội để chống lại những nước nhỏ hơn, yếu thế hơn một cách không ngay thẳng”, vị chuyên gia nói.
Tiến sĩ Koh cũng đồng ý rằng Bắc Kinh đang tiếp tục làm tổn hại lòng tin với các nước ASEAN và thu hút thêm sự chú ý của quốc tế đối với tranh chấp ở Biển Đông, điều mà Trung Quốc luôn tránh để xảy ra.
“Tôi nghĩ những hành động như vậy sẽ phản tác dụng và kết quả sẽ ngược lại những gì Bắc Kinh muốn”, ông nói. “Song giới tinh hoa ở Bắc Kinh không quan tâm mấy đến việc đó so với tình hình mà họ đang đối mặt trong nước”.
Chiêu bài “dùng tài liệu bâng quơ” của Trung Quốc
Theo tiến sĩ Trần Công Trục, Trung Quốc đang tìm mọi cách để hợp thức hóa cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của họ tại Biển Đông, bất chấp điều này đã bị bác bỏ trong phán quyết của tòa quốc tế năm 2016, trong vụ kiện liên quan đến Trung Quốc và Philippines.
“Hiện nay, các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được dùng trong công pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Song Trung Quốc lại viện dẫn chủ quyền lịch sử, đưa ra các tài liệu rất bâng quơ, không rõ ràng để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Các học giả nước ngoài, ngay cả học giả Trung Quốc, đã phê phán quan niệm chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”.
Theo ông, Trung Quốc không chứng minh được họ đã cai quản như thế nào, người dân ở đó có chấp nhận không, các nước khác có chấp nhận không. Do đó, sau khi đánh chiếm bằng vũ lực, Trung Quốc mới cố tạo thêm chứng cứ pháp lý, bằng việc thiết lập các đơn vị hành chính “Tây Sa”, “Nam Sa”. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” họ đã có, giờ nâng cấp các đơn vị hành chính trực thuộc nhằm mục đích hợp thức hóa.
“Tất cả đều nằm trong tính toán của Trung Quốc”, ông nói với PV.
Vũ Mạnh/ ZFN