+
Aa
-
like
comment

Tiết lộ cái gọi là “tuyệt mật” trong ngân sách quốc phòng

Đặng Trường - 02/12/2019 11:14

Quân đội, binh lính, khí tài và chiến thuật quân sự xưa nay vốn được xem là bí mật của mỗi quốc gia. Nếu có công khai thì đó cũng chỉ là những hình ảnh sống động của lực lượng trong hoạt động tập luyện và đời sống. Tuy nhiên, mới đây, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam. Một điểm gây chú ý là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng công bố tỷ lệ % ngân sách và đang có xu hướng giảm dần qua các năm.

sachtrang
Sách Trắng quốc phòng Việt Nam được công bố vào ngày 25/11/2019.

Theo Sách trắng, ngân sách Quốc phòng Việt Nam năm 2010 chiếm 2,23% GDP, 2011 là 2,82%, 2012 là 2,88%… 2017 là 2,51% và 2018 là 2,36%. Tuy không thể mang ra so với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng rõ thấy Việt Nam cũng đã có sự đầu tư nhất định cho quốc phòng. Điều đáng quan tâm ở đây là năm 2012, tỷ lệ % ngân sách Quốc phòng tăng cao đỉnh điểm nhưng trong 2 năm gần đây, con số này giảm dần. Có lẽ, sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi vì sao?

Năm 2012, ngân sách chi cho quốc phòng chiếm 2,88% GDP. Có thể lý giải năm này chúng ta đã tập trung đầu tư hiện đái hóa quân đội nhân dân Việt Nam: Cải tiến, khôi phục trang bị cũ, nâng cấp trang bị, mua sắm vũ khÍ,… Với lục quân, đó là chi phí đầu tư mua xe tăng, cải tiến xe bọc thép. Với Không quân, đó việc đặt hàng mua 12 chiếc Sukhoi Su-30MK2V và đến tính năm 2012 đã nhận được 11 chiếc. Với hải quân, lần đầu tiên Việt Nam ký một bản hợp đồng kỷ lục đặt mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo của Nga. Ngoài đội quân tàu ngầm lớp Kilo trị giá 2 tỷ USD thì Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam đóng tàu, huấn luyện thủy thủ, cung cấp thiết bị, kỹ thuật. Bên cạnh đó, vừa qua, chúng ta đã có dịp chiêm ngưỡng tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung đi tham dự duyệt binh ở Nga. Đây là một trong bốn chiến hạm lớp Gepard 3.9 (lớp tàu tên lửa) cũng được đặt mua từ xứ sở bạch dương. Sau 2 chiếc đầu tiên về Việt Nam thì năm 2012, Việt Nam đã đặt Nga đóng tiếp 2 tàu, mang tên hiệu 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung. Với sự đầu tư lớn nhằm hiện đại hóa quân đội như trên thì chuyện ngân sách chi cho quốc phòng năm 2012 cao cũng là điều dễ hiểu.

vukhi
Việt Nam đầu tư mua sắm khí tài quân sự.

Tuy nhiên, phải hiểu đặc thù của quân đội không phải năm nào cũng đầu tư mua sắm trang thiết bị mua vũ khí. Tất cả đều có lộ trình kèm theo mục đích rõ ràng. Có thể năm 2012, Việt Nam tốn một khoản tiền lớn để đầu tư vũ khí nhưng nó có giá trị sử dụng lâu dài, mua năm này nhưng có thể phục vụ mấy chục năm về sau, không cần thiết mua mới thêm nữa. Một điều đáng nói, Việt Nam cũng không giống một số nước trên giới, chúng ta không chạy đua vũ trang.

Khi giới thiệu về Sách trắng quốc phòng 2019, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã nhấn mạnh hai cụm từ “hòa bình” và “tự vệ”: “Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và chúng ta xây dựng quốc phòng cũng vì mục đích hòa bình. Nếu đất nước có chiến tranh, buộc lòng phải cầm súng thì cũng là vì hòa bình. Chúng ta chỉ sử dụng tình huống tự vệ khi đất nước bị xâm phạm. Trước hết là chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự chủ đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc, ổn định chế độ…”. Là một quốc gia đã từng trải qua vô vàn cuộc chiến tranh lớn nhỏ, chúng ta hiểu được giá trị của hòa bình. Cuộc sống bình yên hiện tại là điều mà rất nhiều người dân Việt Nam đang trân trọng. Thế nên, chẳng có lý do gì phải chạy đua vũ trang theo các nước khác. Những thứ Việt Nam nỗ lực có được trong thời gian qua có lẽ đã đủ để “tự vệ”. Vì vậy, ngân sách chi cho quốc phòng giảm là một tín hiệu đáng mừng.

chivinh
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam

Cũng giống như các Bộ, ban, ngành khác, những năm gần đây, Bộ Quốc phòng cũng đã quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Kết quả, Bộ Quốc phòng đã giải thể, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (quân số giảm gần 3.000 người); giải thể 14 Lữ đoàn; tổ chức lại 4 cơ quan chiến lược làm điểm; giảm 10% quân số biên chế. Việc tổ chức biên chế, sắp xếp lại không chỉ làm cho sức mạnh chiến đấu của quân đội ngày càng mạnh lên mà còn góp phần giảm ngân sách chi cho quốc phòng những năm gần đây.

Giảm tỷ lệ % ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với tỷ lệ % ngân sách dành cho các lĩnh vực khác như xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội,… sẽ tăng lên. Người dân có thể sở hữu một cuộc sống tiện lợi, dễ chịu và an tâm hơn với những thứ gần gũi và thiết thực nhất trong cuộc sống đời thường từ những con đường nông thôn mới thuận tiện, những bệnh viện mới khang trang, đầy đủ thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở mọi miền đất nước; những ngôi trường mới tinh tươm, cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng tối đa cho người dạy và học. Tất nhiên, để yêu cầu các ngành thay đổi toàn diện, đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng của người dân trong thời gian ngắn có thể chưa làm được nhưng chí ít sẽ khiến người dân cảm nhận được sự phát triển tích cực.

Về chi ngân sách, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của các cấp lãnh đạo vẫn phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, hỗ trợ tốt nhất cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tất cả những việc làm hiện nay của Bộ Quốc phòng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu trên, đồng thời thể hiện rõ nỗ lực của Bộ này trong việc thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước giao phó. Chính vì vậy, nếu có thêm sự ủng hộ, động viên của tất thảy 100 triệu dân nước ta nữa thì tin rằng Bộ Quốc phòng với chức năng chính là bảo vệ Tổ quốc sẽ làm cho cái tên Việt Nam mãi trường tồn vững chắc và chiếm được lòng tin của nhiều quốc gia trong cộng đồng quốc tế hơn nữa.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều