+
Aa
-
like
comment

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang có vấn đề?

09/07/2020 21:32

Không ai bên ngoài giới quân sự Trung Quốc biết điều gì đang thực sự xảy ra, nhưng các bằng chứng trong một số tình huống cho thấy nhiều chương trình vũ khí bán lớn của Trung Quốc đã chậm tiến độ.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang có vấn đề?

Các vấn đề về tài chính của Trung Quốc không bộc lộ ở đâu rõ ràng hơn nhưng ít được thừa nhận hơn là trong việc chi tiêu quân sự. Các phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho thấy chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc thực sự có thể giảm theo giá trị thực trong năm 2020.

Mặc dù Trung Quốc phải tăng cường các hoạt động quân sự ở một số biên giới, việc buộc phải hạn chế chi tiêu chắc chắn gây áp lực nghiêm trọng đối với quốc phòng. Không ai bên ngoài giới quân sự Trung Quốc biết điều gì đang thực sự xảy ra, nhưng các bằng chứng trong một số tình huống cho thấy nhiều chương trình vũ khí bán lớn của Trung Quốc đã chậm tiến độ.

Ví dụ, Trung Quốc đến nay được cho là chỉ mới chế tạo được khoảng 50 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20. Chương trình J-20 dường như đang gặp vấn đề nghiêm trọng tiến trình phát triển, việc sản xuất trong tương lai gần chắc chắn bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Mỹ đã chế tạo được 195 tiêm kích tàng hình F-22 và 134 chiếc F-35 và vẫn đang tiếp tục sản xuất hơn 100 chiếc F-35, ngay cả sau khi dịch coronavirus làm trì hoãn chương trình.

Tương tự, Trung Quốc từng có kế hoạch triển khai sáu nhóm tàu sân bay tấn công kiểu Mỹ vào năm 2035. Ngoài tàu sân bay ra đời từ thời Liên Xô là tàu Liêu Ninh chủ yếu phục vụ huấn luyện, Trung Quốc hiện chỉ có một tàu sân bay thông thường (tức không phải tàu hạt nhân) với kiểu phóng máy bay nhảy cầu cổ lỗ, còn một chiếc khác đang được chế tạo.

Kế hoạch đóng bốn tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đã bị trì hoãn vô thời hạn do những thách thức kỹ thuật và chi phí cao. Trung Quốc nói cuối cùng họ sẽ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm để triển khai trên các tàu sân bay. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu tàng hình được tối ưu hóa cho tàu sân bay F-35C của Mỹ đã được huấn luyện để triển khai trong năm nay.

Chiến đấu với Ấn Độ bằng gậy và đá trên cao nguyên Ladakh thì không tốn nhiều chi phí, nhưng chuẩn bị đối đầu với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương thực sự là một đề xuất rất tốn kém.

Đó có thể là một sự xa xỉ lớn mà nền kinh tế bị virus corona mới tàn phá của Trung Quốc có thể không chịu đựng nổi. Trong thực tế, số dư trong tài khoản ngân hàng của Bắc Kinh không tương thích với sự xa hoa hào nhoáng ấy, theo nhận định của Foreign Policy.

Chứng kiến nhiều thập kỷ tăng trưởng GDP hai con số và chi tiêu của Chính phủ Trung Quốc, những người bên ngoài có điều kiện để tin rằng nguồn tài chính của Trung Quốc là không giới hạn. Sống trong thời bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc, những người trong cuộc cũng có thể có điều kiện để tin vào điều đó. Nhưng không có kho tiền nào là không giới hạn, và Trung Quốc dường như đã tới ngưỡng khi bị coronavirus tấn công.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ít nhất có thể giữ thể diện bằng cách từ bỏ các mục tiêu GDP và đổ lỗi cho virus corona về sự thắt lưng buộc bụng không thể tránh khỏi. Nhưng khi khủng hoảng kết thúc, Mỹ vẫn sẽ là một siêu cường toàn cầu. Trung Quốc có thể bị buộc phải chọn lấy một tương lai ít tham vọng hơn.

Anh Minh/TPO

Bài mới
Đọc nhiều