+
Aa
-
like
comment

Ngân sách đang dùng để đóng “hụi chết”?

Quỳnh Mint - 23/08/2022 12:14

Câu chuyện “chảy máu chất xám” từ lâu đã là một thực trạng đau lòng của xã hội Việt Nam. Điều này khiến nhiều người tự hỏi rằng, liệu việc lựa chọn cá nhân được ngân sách đài thọ đi đào tạo ở nước ngoài có còn phù hợp? 

3.000 tiến sĩ đào tạo bằng ngân sách thì 1.950 người ở lại nước ngoài làm việc.

Để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nhà nước đã chủ trương triển khai thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Đề án 165) vào năm 2008. Sau hơn 10 năm triển khai đề án, tuy chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên đã được nâng cao, song có một sự thật đáng buồn là phần lớn lực lượng này lại lựa chọn ở lại nước ngoài làm việc chứ không trở về cống hiến cho quê hương.

Khi nhắc về thực trạng này tại hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam Quý III (ngày 19/8), ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, đã đau xót nói rằng: “Coi như đóng hụi chết, chúng ta bỏ tiền tỉ, mồ hôi xương máu của đất nước cho các cháu đi học nhưng bây giờ thành ra như vậy”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Peter Hồng: “Coi như đóng hụi chết, chúng ta bỏ tiền tỉ, mồ hôi xương máu của đất nước cho các cháu đi học nhưng bây giờ thành ra như vậy”.

Mới đây nhất, tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” (sáng 20/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bộc lộ trăn trở khi đặt những câu hỏi: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân?

Bình luận về vấn đề trên, một bộ phận cộng đồng mạng cho rằng tiêu chí lựa chọn cá nhân được ngân sách đài thọ đi đào tạo ở nước ngoài theo đã không còn phù hợp trong thời buổi hiện nay. Trước hết, những người được đài thọ đi du học không phải những tinh hoa thực sự của đất nước, vì nếu họ đủ giỏi thì đã có thể tự mình xin được học bổng từ các quốc gia phát triển hơn. Việc các cá nhân này đi học tập tại nước ngoài đã cho họ cơ hội được bơi ra vùng biển lớn, trải nghiệm các nền văn hoá khác nhau và tiếp thu những tri thức vĩ đại của nhân loại, dù điều kiện bản thân chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các học bổng nước ngoài. Do đó, quyết định không trở về cống hiến cho quê hương của những người này còn là biểu hiện của việc chỉ nghĩ cho bản thân mình và thiếu hẳn lòng biết ơn.

Nhưng bên cạnh những căn nguyên trên thì nguyên nhân dẫn tới thực trang đau xót trên có lẽ nằm ở chính sách trọng dụng nhân tài sau khi về nước của chúng ta. Hiện nay, mức thu nhập của người lao động tại Việt Nam nói chung vẫn thuộc mức thấp trên thế giới, thậm chí mức lương của nhiều nghề nghiệp quan trọng như bác sĩ, giáo viên còn không đủ để trang trải cuộc sống. Dù là người thường hay nhân tài thì cũng cần phải giải quyết vấn đề “cơm áo, gạo tiền” cho bản thân và gia đình, nên nhiều người sẵn sàng trả lại chi phí Nhà nước đã cung cấp cho họ để ở lại nước ngoài và nhận mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần, cùng các phúc lợi an sinh xã hội khác.

Tiếp đó, chúng ta cũng chưa có kế hoạch phân bổ và phát triển lao động hợp lý đối với những đối tượng này. Không thiếu những trường hợp trở về được phân công đảm nhiệm những công việc không đúng với chuyên môn và trình độ của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khi quay về quê hương đã quyết định bỏ việc vì cảm thấy bản thân “không có đất dụng võ”. Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại Việt Nam vẫn chưa thật sự cởi mở và lành mạnh, trong khi đây lại là một trong những yếu tố quan trọng để mỗi người cân nhắc lựa chọn nơi làm việc của mình.

Tóm lại, đầu tư cho giáo dục cũng phải được thực hiện như các hạng mục đầu tư kinh tế khác, cần có chiến lược dài hạn và phù hợp. Nếu vẫn tiếp tục bỏ ra mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng cho đào tạo tại nước ngoài mà không có chế độ đãi ngộ xứng đáng, lộ trình phát triển sự nghiệp cụ thể và xây dựng được môi trường làm việc thân thiện, tích cực cho mọi người lao động thì đúng là chả khác gì đang “đóng hụi chết”.

Quỳnh Mint

Bài mới
Đọc nhiều