+
Aa
-
like
comment

Ngân sách có phải là “nồi cơm Thạch Sanh”…!

24/05/2020 06:12

Hi vọng, các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Bộ GTVT sẽ có giải thích rõ, thỏa đáng với cử tri cả nước. Bởi liên quan đến tiền dân, không thể không minh bạch.

Ngân sách có phải là “nồi cơm Thạch Sanh”...! - 1

Báo cáo thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể gửi tới Quốc hội kỳ họp thứ 9 cho biết, thời gian qua Bộ này đã “nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức đánh giá, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ”.

Cụ thể là đã có 15/19 trạm đã được khắc phục, riêng 4 trạm còn lại “do tính chất đặc thù” nên việc triển khai các giải pháp xử lý vẫn còn vướng mắc.

Bài báo đăng tải trên Dân trí ngày 21/5 đề cập khá rõ về các phương án, giải pháp nêu ra để giải quyết vướng mắc cho 4 trạm BOT này.

Trạm thứ nhất – BOT Bỉm Sơn: Do trạm nằm ngoài phạm vi dự án, nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Bộ trưởng GTVT dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.

Trạm thứ hai – trạm thu phí trên Quốc lộ 3 (ở Thái Nguyên), trong trường hợp quá khó khăn, Bộ GTVT cho biết sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng bố trí nguồn vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xoá trạm này.

Trạm thứ ba – trạm thu phí T2 (ở Cần Thơ – An Giang), Bộ thống nhất với kiến nghị của các địa phương lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư Quốc lộ 91B, giao UBND thành phố Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến Quốc lộ 91B đã đầu tư.

Còn với trạm thu phí La Sơn – Túy Loan, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn Nhà nước để hỗ trợ nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính.

Tóm lại, đây là những giải pháp được Bộ GTVT và các cơ quan hữu quan trình ra Quốc hội (chưa có kết luận), song cũng đủ cho thấy hệ luỵ lớn về những sai lầm trong quy hoạch và quản lý BOT giao thông ở nước ta thời gian qua.

Từ một chính sách có mục tiêu rất tốt đẹp, nhằm san sẻ gánh nặng cho ngân sách, phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế, không ít dự án BOT vướng phải “tai tiếng” và bị người dân địa phương phản đối kịch liệt.

Chỉ nhìn vào trường hợp ở 4 dự án BOT kể trên thấy rằng, vì lý do này hay lý do khác, từ chuyện trạm BOT “đi lạc”, gặp khó khăn dẫn đến phải xoá trạm hay trạm chậm được thu phí, thì kết quả, phương án đưa ra vẫn là dùng tiền ngân sách để “bù”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do có những khó khăn, vướng mắc về giải pháp xử lý các trạm BOT bất cập nêu trên nên đến nay, các trạm vẫn chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu tại các dự án.

Đáng nói là “trường hợp không được khắc phục sớm, sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân, tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo”.

Điều này chẳng khác nào các ngân hàng trở thành “con tin” trong tay các dự án này vậy, còn tiền của dân và ngân sách nhà nước là “nồi cơm Thạch Sanh”?! Nếu thành công thì đương nhiên người dân sẽ trả tiền, thanh toán phí, còn nếu thất bại, đã có ngân sách lo?

Vậy tiền ngân sách nhà nước là của ai? Vẫn là tiền của dân đấy thôi!

Có điều, “bù” con số cụ thể là bao nhiêu? Việc bù lỗ cho BOT bằng ngân sách nhà nước có chính đáng? Chẳng lẽ, BOT cứ lập nên, hoạt động không hiệu quả thì đều phải bù thiệt hại cho chủ đầu tư? Trước khi dự án đó triển khai, không lẽ các bên lại không đánh giá tác động, không phân tích hết rủi ro hay sao?

Hi vọng, các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Bộ GTVT sẽ có giải thích rõ, thỏa đáng với cử tri cả nước. Bởi liên quan đến tiền dân, không thể không minh bạch.

Bích Diệp/DT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều