+
Aa
-
like
comment

Ngân hàng Việt Nam 2020 qua những con số

Trần Anh - 01/01/2021 11:48

Năm 2020 kết thúc với nhiều biến động, “tham số” lớn nhất là đại dịch Covid-19. Bức tranh ngành ngân hàng Việt Nam cũng dần định hình qua những con số lần lượt công bố và cập nhật gần nhất.

Ngân hàng Việt Nam 2020 qua những con số

Theo đó, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và đưa tổng nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ vào trong cuối năm nay đề ra từ đầu năm trở nên khó hiện thực.

Bên cạnh đó, áp lực nợ xấu còn được dự báo sẽ được thể hiện rõ hơn trong năm tới, khi lượng nợ được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm theo Thông tư 01 dần đáo hạn.

Tuy nhiên, một chuyển động khá tích cực là cho tới thời điểm hiện tại, đã có 19 ngân hàng thương mại công bố tất toán xong trước hạn nợ xấu bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đây.

3 là tổng số lần NHNN tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với các loại, được nhìn nhận là một trong những mức độ điều chỉnh mạnh trong khu vực.

Lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên năm nay diễn ra vào giữa tháng 3, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Các lần cắt giảm tiếp theo được tiến hành vào tháng 5 và cuối tháng 9, khi hệ quả tác động từ đại dịch trong nền kinh tế thể hiện, cũng như trước yêu cầu gia tăng hỗ trợ.

Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

355 nghìn tỷ đồng là tổng số dư nợ đã được các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, nhưng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

11% là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước tính cả năm 2020, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm là 14%. Đây cũng là năm có tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2012 (7%).

100 tỷ USD là mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính đến cuối năm 2020. Đây cũng là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, riêng trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 31 tỷ USD.

4,75% là mức tăng của tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tính đến 31/10/2020 so với cuối năm 2019; tổng quy mô theo đó đã vượt 13 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tổng tài sản có của khối ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương) chiếm tỷ trọng 41,3%, đạt hơn 5,4 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của nhóm này chỉ đạt 0,06%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 7,68% (đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng) và nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài là 10,26% (đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng).

11,65% là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41 tính đến 31/10/2020, trong đó, CAR của nhóm NHTMNN là 9,54% và của NHTMCP là 10,83%.

25,43% là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 10/2020, tiếp tục giảm so với mức 27,35% hồi cuối năm 2019, cũng như nằm rất sâu dưới ngưỡng cho phép hiện nay là 40% và thậm chí đi trước cả ngưỡng 30% mà Ngân hàng Nhà nước lập lộ trình siết lại trong năm tới.

Tuy nhiên, tỷ lệ trên ở mức thấp do tính bình quân với tham số kéo xuống bởi nhóm ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài do nhóm này không dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Trong khi đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 29,75% và ngân hàng thương mại cổ phần là 27,69%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 35,22%.

18 là số ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước chính thức công nhận đã áp dụng Basel II (theo Thông tư 41), trong đó có 7 thành viên công bố đã áp dụng cả ba trụ cột của Basel II.

6 là số ngân hàng đã lên sàn thành công trong năm nay. Trong đó, VietCapitalBank, SaigonBank, PG Bank, NamABank và ABBank lên sàn Upcom, riêng MSB niêm yết thẳng trên HOSE.

TRẦN THÚY/BL

Bài mới
Đọc nhiều