Ngân hàng tung gói tín dụng 285.000 tỷ đối phó Covid-19
Nguồn vốn để tài trợ cho các gói tín dụng ưu đãi lãi suất 0,5-1% này sẽ được các ngân hàng thương mại tự cân đối và không sử dụng vốn chính sách.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện tại, các ngân hàng đã đăng ký tổng cộng 285.000 tỷ đồng để tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus corona Covid-19.
“Các ngân hàng sẽ dùng biện pháp giảm bớt chi phí của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất từ 0,5-1%. Nguồn vốn sẽ do ngân hàng tự cân đối và không sử dụng vốn Ngân sách, hiện nay các ngân hàng đều đăng ký tham gia và kỳ này là tham gia thật”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tung gói tín dụng 285.000 tỷ lãi suất thấp
Chia sẻ với PV, lãnh đạo Vụ tín dụng cho biết con số 285.000 tỷ đồng nêu trên là con số ghi nhận đến hiện tại do các ngân hàng tự nguyện đưa ra các chương trình cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, có ngân hàng tham gia với hạn mức 50.000 tỷ; 70.000 tỷ; thậm chí có nhà băng hơn 100.000 tỷ đồng…
“Cũng có ngân hàng tham gia với hạn mức 5.000 tỷ đồng, ngân hàng nhỏ thì đưa ra chương trình nhỏ, một số ngân hàng tham gia bằng cách miễn phí một phần, hoặc toàn bộ giao dịch. Đang 7.000 đồng giảm xuống 2.000 đồng, 500 đồng thì không thu phí nữa. Hiện nay các ngân hàng đã triển khai rồi”, ông Hùng nói.
Vị này cho biết thêm cùng với việc tung gói tín dụng lãi suất thấp trên, các ngân hàng cũng sẽ xem xét miễn giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus.
NHNN mới đây cũng đã ban hành văn bản tạm thời cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các doanh nghiệp này đồng thời đưa ra chương trình hỗ trợ tín dụng nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh phục hồi.
“Hiện tại, các ngân hàng đã sẵn sàng”, ông Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Vụ tín dụng cũng thừa nhận con số 285.000 tỷ là con vốn số đăng ký của các ngân hàng, còn thực tế nền kinh tế có hấp thụ được hay không cũng là vấn đề.
“Đăng ký là một chuyện, quan trọng là có hấp thụ được nguồn vốn đó hay không. Trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 0,06%, nghĩa là muốn cho vay mà cũng rất khó ở thời điểm này”, ông Hùng nói.
Tiêu chuẩn để được vay vốn lãi suất thấp
Chia sẻ về tiêu chuẩn để được hưởng gói tín dụng trên, ông Hùng cho biết, vấn đề này sẽ được các ngân hàng tự chủ. Bởi nếu doanh nghiệp hoạt động không tốt, không có kế hoạch rõ ràng, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng sẽ không thể giải ngân cho vay với lãi suất ưu đãi.
Ông Hùng đánh giá hiện nay tác động của dịch virus không chỉ riêng với nhóm doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn mà còn cả lĩnh vực giao thông vận tải, dịch vụ thương mại, xuất khẩu, sản xuất, du lịch…
Vì vậy, để các ngân hàng thương mại tự xác định, xem xét cho vay với khách hàng nào là hợp lý nhất. Đặc biệt, đây là chương trình do các nhà băng tự nguyện chứ không dùng vốn Ngân sách.
“Các TCTD trên cơ sở NHNN yêu cầu xem xét hỗ trợ doanh nghiệp đã chủ động tham gia. Đây là vốn họ tự chủ và giảm 0,5-1% là quyền của họ, thể hiện sự chia sẻ, hưởng ứng chính sách”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đại diện các ngân hàng lớn cũng cho biết đã có kế hoạch tham gia vào gói tín dụng hỗ trợ lãi suất nói trên. Tuy nhiên, hiện tại nhiều ngân hàng mới đang trong quá trình triển khai.
Đại diện Vietinbank cho biết, ngân hàng đã có kế hoạch và chủ trương mở gói tín dụng giảm lãi suất cho nhóm khách hàng này nhưng chương trình triển khai cụ thể vẫn chưa được áp dụng.
Agribank xác nhận đang tính toán xây dựng phương án cũng như kế hoạch triển khai cụ thể và sẽ sớm công bố.
Trước đó, Vụ Tín dụng cho biết đã có 23 TCTD báo cáo NHNN có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,3% tổng dư nợ của các TCTD này và chiếm 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Trong đó, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như nông lâm nghiệp thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch lưu trú, vận tải…
Quang Thắng/ZN