Ngân hàng thưởng Tết lên đến 10 tháng lương
Trải qua một năm dịch bệnh vời nhiều khó khăn nhưng nhiều ngân hàng năm nay nhận thưởng Tết cho nhân viên từ 2-4 tháng lương, một số hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu có thể được 6-10 tháng.
2021 là năm phần lớn ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với mức tăng trưởng hai chữ số, thậm chí một số có lợi nhuận tăng bằng lần. Nhờ đó, cán bộ nhân viên ngành ngân hàng hưởng thu nhập và chế độ tốt hơn năm ngoái.
Khảo sát cho thấy, nhân viên của một vài nhà băng tư nhân có kết quả kinh doanh khởi sắc chia sẻ “khá bất ngờ và vui mừng” khi nhận được mức thưởng tốt.
Với lĩnh vực ngân hàng, phần lớn đơn vị đều có cơ chế chia quỹ lương hai vòng, bao gồm phần lương tạm ứng trong năm và một phần còn lại phân bổ sau chốt sổ kết quả kinh doanh.
Một phó tổng giám đốc nhà băng quy mô top đầu cho biết: “80% lương cơ bản đã được chia trong năm. 20% còn lại được chia sau khi đã chốt sổ kết quả kinh doanh, phần này còn được gọi là quỹ lương thừa. Quỹ này không bổ đều cho tất cả nhân viên mà sẽ phân chia tuỳ theo hiệu suất kinh doanh của từng chi nhánh và cá nhân”, lãnh đạo này cho biết.
Giới trong ngành gọi khoản chia từ quỹ lương thừa là “tiền lương theo hiệu suất kinh doanh”, nhưng do chi vào dịp quyết toán – cũng dịp cận Tết, nên mọi người thường gọi là thưởng Tết.
Như tại Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB), quỹ tiền lương hiệu suất bình quân năm nay là 6 tháng lương thực nhận. Mức này cao hơn từ 1 tháng đến 1,7 tháng lương so với năm ngoái. Những cán bộ xuất sắc có thể nhận đến 9 tháng lương, đại diện ngân hàng chia sẻ.
Tin vui đến với cán bộ nhân viên nhà băng này sau một năm MSB báo lãi tăng gấp đôi so với 2020, đạt gần 5.200 tỷ đồng. Kết quả này một phần nhờ ghi nhận nguồn thu nhập bất thường từ khoản phí trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm với Prudential.
Bên cạnh đó, nhiều giám đốc chi nhánh của MSB cũng được nhận tiền lương hiệu suất xấp xỉ nửa tỷ đồng. Khoản này gồm cả hoa hồng bán các sản phẩm như bảo hiểm và các dịch vụ khác. Đại diện của MSB cho biết “con số 500 triệu đồng cũng là mức không khó để đạt được với nhiều giám đốc chi nhánh, chỉ cần xếp hạng hai là dễ dàng nhận khoản này”.
Còn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), lãnh đạo nhà băng cũng chia sẻ, lương hiệu suất kinh doanh năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Năm 2021, nhà băng này báo lãi tăng 25% (mức tăng bình thường so với nhóm quy mô tài sản dưới 200.000 tỷ) chủ yếu nhờ hoạt động tín dụng và mua bán chứng khoán đầu tư.
Nếu tính tiền thưởng đã chia trong năm, có những cán bộ được thưởng cả năm lên tới 12-13 tháng lương. Còn trong đợt chi cuối năm trích từ quỹ lương thừa, mức phổ biến của cán bộ nhân viên nhà băng này là 2-3 tháng, lãnh đạo này cho hay.
Tại một nhà băng có vốn nhà nước khác, với những đơn vị kinh doanh tốt nhất, cán bộ nhân viên được nhận cả chục tháng lương hiệu suất kinh doanh, đại diện ngân hàng cho biết. Còn tại một số chi nhánh làm ăn kém, mức nhận được thấp hơn. Một số đơn vị không được chia từ quỹ lương thừa và phải vay từ trụ sở chính.
Năm nay, lợi nhuận ngân hàng có tăng trưởng nhưng dựa trên nền thấp của 2020. Quỹ lương cho nhân viên tăng nhưng chỉ ở mức khoảng 6%. “Ngân hàng chỉ có một quỹ lương được khống chế từ đầu năm, ví như chiếc chăn, làm sao co kéo để đảm bảo phúc lợi cho người lao động và tưởng thưởng cho những đơn vị làm ăn tốt”, đại diện nhà băng này nói.
Bên cạnh đó, nhà băng này có một quỹ thưởng khác nằm ngoài quỹ lương, đang chờ kiểm toán nhà nước và quyết toán. Thông thường, quỹ thưởng này sẽ chia 1,5 tháng lương thực nhận cho cán bộ quản lý cấp cao và 3 tháng với nhân viên, nếu hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Tại một số nhà băng tầm trung khác, khoản tiền lương hiệu suất kinh doanh phổ biến ở mức 2-4 tháng, những trường hợp hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu con số có thể hơn.
Lãnh đạo các ngân hàng cũng e ngại chia sẻ câu chuyện lợi nhuận và lương thưởng trong bối cảnh hiện nay, khi ngân hàng lãi lớn mùa Covid-19 là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, ngân hàng lãi khủng không chỉ xuất phát từ việc “lãi cho vay giảm chậm hơn lãi tiết kiệm”, mà bởi nhiều yếu tố đóng góp khác.
Nguồn thu ngoài tín dụng ngày càng đóng góp lớn vào thu nhập các nhà băng, đến từ bán chéo bảo hiểm, thu dịch vụ thanh toán, ngoại hối hay đầu tư chứng khoán… Một số nhà băng có câu chuyện riêng khi vừa bước qua giai đoạn “cải tổ” chất lượng tài sản, ghi nhận phí trả trước của hợp đồng bán chéo bảo hiểm hay thu lợi nhuận từ bán vốn công ty con…
Các ngân hàng năm 2021 cũng đã vào cuộc mạnh hơn trong việc giảm lãi cho vay, đặc biệt là các nhà băng có vốn nhà nước. Theo thống kê của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay ghi nhận mức giảm khoảng 1,5% so với trước dịch Covid-19 còn lãi suất huy động giảm trung bình khoảng 1,7%.
Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 11/2021, 16 ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền giảm hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, Agribank “hy sinh” gần 5.200 tỷ đồng lợi nhuận, Vietcombank giảm hơn 3.800 tỷ, BIDV giảm 3.380 tỷ và VietinBank giảm hơn 2.000 tỷ đồng.
Quỳnh Anh