+
Aa
-
like
comment

Cần thấy gì khi ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục tăng lãi suất?

Mạnh Hải - 27/10/2022 04:22

Vừa mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1%/năm và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/10. Như vậy, hầu hết các loại lãi suất điều hành đã trở lại mốc trước giai đoạn đại dịch Covid-19.

Lần thứ 2 trong một tháng, NHNN tăng lãi suất

Kể từ đầu năm, để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành. Trong đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần tăng lãi suất, đồng thời dự kiến trong các tháng cuối năm sẽ tăng lãi suất lên mức khoảng 4,5 – 4,75%/năm và tiếp tục trong năm 2023. Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất.

Cho đến hiện tại, đồng tiền nhiều nước đang chịu áp lực giảm giá mạnh so với đô la Mỹ (USD). Đồng Việt Nam (VND) cũng không phải ngoại lệ. Theo ước tính của Maybank IBG thì VND đã mất khoảng 8,5% giá trị của nó so với USD từ đầu năm đến nay. Điều này khiến tỷ giá hối đoái chịu sức ép lớn, cũng như khiến Việt Nam phải đối mặt với áp lực nhập khẩu lạm phát.

Trước vấn đề này, NHNN đã có nhiều chính sách đa dạng bao gồm bán một phần dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, nới biên độ tỷ giá hối đoái với USD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi việc can thiệp bằng dự trữ ngoại hối không còn nhiều dư địa – do dự trữ USD của nước ta đã giảm đáng kể, thì việc tăng lãi suất dường như là biện pháp khả thi nhất của NHNN để giảm áp lực lên tỷ giá. Điều này vốn vẫn còn chịu áp lực rất lớn nên đã tăng chạm đỉnh biên độ và duy trì ở mức đó cho tới 24/10. Và thực tế lần tăng lãi suất này về cơ bản là điều đã được dự báo từ trước.

Hơn nữa, nhìn nhận một cách tổng thể thì kinh tế Việt Nam vẫn còn đang khả quan hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 của nước ta đạt 8,83%, tức là phục hồi khá tốt sau giai đoạn dịch Covid-19. Như vậy, ngay cả khi lãi suất tăng, thì ít nhất doanh nghiệp trong nước cũng sẽ không ngay lập tức đối mặt với áp lực lớn. Đó là chưa kể, thông thường, lãi suất tác động một cách từ từ vào nền kinh tế, nên đến khi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước bị ảnh hưởng đáng kể thì hoàn toàn có thể giả định kinh tế thế giới đã có những diễn biến mới. Những điều này cũng góp phần tạo cơ sở để NHNN đưa ra quyết định tăng lãi suất.

Có một số ý kiến cho rằng, mục đích nâng lãi suất điều hành của NHNN là để bảo vệ tỷ giá, chứ không phải do lo ngại lạm phát. Rõ ràng đây là một ý kiến nông cạn, thể hiện sự mơ hồ, vì giữ ổn định tỷ giá luôn đi song hành với việc kiềm chế lạm phát. Lạm phát trong nước hiện tại vẫn còn thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm nhưng cần lưu ý rằng, xu hướng tăng lạm phát đã hình thành. Mức lạm phát theo tháng (so với cùng kỳ năm 2021) ở Việt Nam đã tăng liên tục từ 0,67% vào tháng 1 lên 3,82% vào tháng 8. Việc điều chỉnh tăng lãi suất còn nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của FED trong thời gian tới, qua đó đi trước một bước trong việc giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Hơn nữa, nỗ lực kiểm soát lạm phát chính là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới quyền lợi của người lao động. Vì nếu như lạm phát không được kiểm soát thì những người có thu nhập chính bằng tiền, mà rõ ràng hơn cả là người lao động làm thuê – bộ phận chủ yếu trong xã hội, sẽ chịu thiệt hại.

Có thể thấy ngay rằng, với quyết định mới của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ có cơ sở để sớm tăng lãi suất huy động. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng gia tăng, tín dụng toàn hệ thống đến nay tăng khoảng 11,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021, lãi suất tăng sẽ giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động được nguồn vốn trong xã hội, cải thiện thanh khoản góp phần nâng cao an toàn hệ thống, từ đó hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, hiện tượng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển rời khỏi Việt Nam cũng sẽ được giảm bớt. Nhưng cuối cùng, quan trọng hơn cả, đó là chắc chắn Việt Nam sẽ không rơi vào tình cảnh lạm phát cao như giai đoạn những năm 2008.

Mạnh Hải

Bài mới
Đọc nhiều