Ngăn chặn, xử lý kịp thời các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế
Mặc dù gặp nhiều trở ngại do đại dịch Covid-19, nhưng bằng bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, lực lượng an ninh kinh tế đã kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh trong tiến trình hội nhập, giữ vững quyền độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế.
Đồng thời, lập nhiều thành tích trong công tác đấu tranh, kịp thời ngăn chặn các hành vi “lợi ích nhóm”. Dưới sự sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng sự tham mưu, kịp thời phát hiện từ Cục An ninh Kinh tế, nhiều vụ đại án đã nhanh chóng hoàn tất quá trình điều tra, đưa ra xét xử. Chỉ tính riêng trong năm 2021, cả nước đã có trên hàng chục vụ án với hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự với những bản án nghiêm khắc. Trong đó, nổi bật hơn cả là các vụ Sabeco, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Công ty Nhật Cường, Ethanol Phú Thọ.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực ngày càng trở nên phức tạp, biến động khó lường, dù hầu hết các chuyên gia đều đánh giá khá tốt về những triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam nhưng cũng cảnh báo, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn trong tương lai. Đó là “bóng ma” lạm phát luôn thường trực, hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi kịp sau nhiều năm đại dịch hoành hành và sự chậm chạp trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Ngoài ra, hoạt động hợp tác kinh tế của nước ta với một số nước còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn yếu tố phức tạp có thể gây thua thiệt cho nền kinh tế nước nhà, đặc biệt là với các nhóm nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn mới, trong đó nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, buôn lậu. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh tài chính, an ninh mạng… tiếp tục là nguy cơ đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế. Cũng bởi vậy mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý, lực lượng an ninh kinh tế phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động, nhạy bén, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững an ninh quốc gia nói chung và an ninh kinh tế nói riêng.
Để kinh tế phát triển thì an ninh phải tốt, để quốc tế tiếp tục có những đánh giá tích cực về Việt Nam thì vai trò của của an ninh kinh tế càng phải tốt. Do đó, chỉ đạo và sự đôn đốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đối với lực lượng an ninh kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt trước xu thế hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng như hiện nay, sự kịp thời, chủ động của lực lượng an ninh kinh tế càng thêm quan trọng.
Đăng Võ