+
Aa
-
like
comment

Ngăn chặn việc tha hóa quyền lực

Bảo An - 01/09/2020 09:09

Để ngăn chặn được sự tha hóa của quyền lực nhà nước, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là nhận diện được những biểu hiện của sự tha hóa trong quyền lực.

Đẩy mạnh “đốt lò” để ngăn chặn tha hóa quyền lực

Không phải đến thời điểm hiện tại, Đảng và Nhà nước ta mới đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự tha hóa, biến chất. Ngay từ đầu, khi Đảng được thành lập và khi đất nước Việt Nam được ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần răn dạy việc ngăn chặn tha hóa quyền lực. Chính Bác đã nhấn mạnh: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Bàn về tha hóa quyền lực, trước hết chúng ta cần xem xét quyền lực là gì (trong phạm vi bài viết, tác giả xin phép được bàn luận về một quyền lực nhà nước)? Quyền lực nhà nước là quyền lực chung của cộng đồng, được tổ chức thành nhà nước nằm trong tay một giai cấp, lực lượng nhất định trong xã hội. Một cách đơn giản, quyền lực nhà nước là quyền lãnh đạo, điều hành, quản lý xã hội. Trong đó, một vài người sẽ được giao nắm giữ quyền lực này để quản lý xã hội nói chung hòng duy trì sự ổn định và trật tự của cộng đồng. Tha hóa quyền lực nhà nước là việc quyền lực nhà nước bị làm thay đổi bản chất, bị sử dụng vào mục đích không đúng so với những thỏa thuận ban đầu với cộng đồng.

Biểu hiện cụ thể của sự tha hóa quyền lực thể hiện qua một số nội dung như: lạm dụng quyền lực, lộng quyền, lợi dụng quyền lực v.v… Nguyên nhân dẫn đến việc quyền lực bị tha hóa bắt nguồn từ nhiều phía, cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, yếu tố chính nhất dẫn đến việc quyền lực bị tha hóa là do người nắm giữ quyền lực không giữ được bản chất của chính mình, bị những lợi ích vật chất, danh vọng làm cho hủ hóa, biến chất.

Như một guồng quay không có lối thoát, khi nắm giữ quyền lực và bị quyền lực điều khiển, người ta vướng vào những sai phạm. Để rồi sau đó, sai phạm nối tiếp sai phạm, từ đó kéo theo một loạt vấn đề tiêu cực khác như chuyên quyền, độc đoán, hách dịch, cửa quyền, thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, nguyên tắc làm việc và sinh hoạt đảng v.v… Thông thường, một khi đã nắm trong tay quyền lực và bị quyền lực làm tha hóa, người ta sẽ làm tất cả, bất chấp những quy định để níu kéo những lợi ích. Cũng từ đây, việc chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lực có cơ hội để nảy sinh, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho tổ chức.

Như đã nhấn mạnh từ bài trước, việc quyền lực làm tha hóa, biến chất một cán bộ không chỉ gây thiệt hại cho một vài người riêng lẻ mà nó gây ra thiệt hại chung cho toàn bộ tổ chức. Chính vì vậy, việc kiểm soát quyền lực là vô cùng quan trọng. Kiểm soát quyền lực trước hết là để quyền lực được thực thi một cách trong sạch nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, nó cũng là cách để chúng ta tự bảo vệ đội ngũ cán bộ, không để nội bộ Đảng bị suy yếu từ bên trong. Trong công tác kiểm soát quyền lực, việc phòng ngừa là yếu tố then chốt. Một khi quyền lực đã bị thoái hóa, một khi cán bộ đã lao vào vòng xoáy của quyền lực, dù chúng ta có xử lý cán bộ nghiêm khắc đến đâu thì cũng rất khó để khắc phục được những hậu quả đã xảy ra.

Hiện nay, để có thể kiểm soát được quyền lực, ngăn chặn sự tha hóa, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải thực sự công khai, minh bạch trong việc thực thi quyền lực. Cần nhanh chóng hoàn thiện và phát huy vai trò giám sát, phản biện của xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực. Đi song song với đó, khi tiến hành “chọn mặt gửi vàng”, giao quyền lực cho bất kỳ cá nhân nào, chúng ta cũng phải thực sự công bằng và bình đẳng, tránh trường hợp “giao trứng cho ác”, đưa quyền lực vào bàn tay của những người không đủ bản lĩnh, không đủ đạo đức, không đủ tinh thần cách mạng. Khi đó, thay vì sử dụng quyền lực để quản lý, điều hành xã hội thì người ta lại lợi dụng, lạm dụng, sử dụng quyền lực sai mục đích hòng đạt được những giá trị lợi ích cá nhân. Với đặc thù tại Việt Nam chỉ có duy nhất một Đảng cầm quyền, hầu hết lãnh đạo – những người nắm trong tay quyền lực nhà nước – là đảng viên, để ngăn chặn sự thoái hóa, biến chất, tha hóa quyền lực, việc nâng cao đạo đức đảng là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Đảng, phát huy tính chiến đấu trong nội bộ Đảng, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế tập chung dân chủ là việc cần nghiêm túc thực hiện.

Việc quyền lực nhà nước bị lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật; việc nhiều cán bộ cấp cao bị suy thoái, biến chất, gục ngã trước quyền lực đang là bài toán đặt ra trong công tác quản lý quyền lực. Cùng với việc “đốt lò” chống tham nhũng, thiết nghĩ chúng ta phải thực sự cẩn trọng, đánh giá lại một cách toàn diện việc trao quyền, thực thi quyền lực, đánh giá việc thực thi quyền lực để bảo vệ sự trong sáng của quyền lực.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều