+
Aa
-
like
comment

Ngăn chặn tối đa hình sự hóa dân sự

Phạm Khoa - 02/01/2023 07:01

Vấn đề “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế đã được nhắc đến từ lâu, thậm chí, có lúc còn được xem như một thiếu sót đáng tiếc thuộc về “lịch sử”.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí

Hiểu một cách đơn giản, “hình sự hóa” là hướng một vụ việc có bản chất không giống hoặc chưa giống hình sự trở thành hình sự. Điều này chỉ xảy ra khi luật pháp chưa hoàn bị, các bộ luật dân sự, hình sự có sự giao thoa, chưa rõ ràng, chi tiết.

Từ khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, một số điều luật liên quan đến các tội phạm kinh tế trở nên bất cập, không còn bám sát thực tế, gây khó cho công tác xét xử, dễ dẫn đến oan sai. Chính vì lẽ này, mà nhiều vụ việc bị cho là “hình sự hóa” quan hệ dân sự, kinh tế có lúc đã làm nóng dư luận xã hội, đơn cử như vụ “Cà phê Xin Chào” vài năm trước.

Cần thấy rằng, đối với sai phạm xảy ra trong các quan hệ kinh tế, thì yếu tố hoàn thiện của luật pháp là vô cùng quan trọng.

Người kinh doanh, và các quan hệ kinh tế thường sẽ tuân theo quy luật thị trường. Đây là quy luật khách quan, nên người làm luật không thể không tôn trọng. Thêm nữa, vi phạm hình sự trong kinh doanh khác với các tội phạm cướp của, giết người, ma túy…, nên không thể áp đặt cách tạm giam, hay hình thức chế tài giống nhau.

Một năm trở lại đây, cùng với việc khởi tố, bắt tạm giam các chủ doanh nghiệp lớn, đưa nhiều doanh nghiệp hàng đầu vào diện điều tra, dư luận một lần nữa lại chú ý đến khái niệm “hình sự hóa” này. Một số người thắc mắc rằng việc bắt tạm giam hàng loạt các “đại gia” liệu có cần thiết, hay hành vi khai gian, thiệt hại do khai khống, mua bán trái phiếu bất hợp pháp nếu được các bị can, bị cáo khắc phục thì sẽ được xử theo hướng nào?

Trước đó, cuối tháng 4/2022, trong “Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã từng nhấn mạnh điều tương tự, khi nói: “Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả.”

Thời điểm đó, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã củng cố lòng tin của giới doanh thương, vốn đang hoang mang với vụ việc FLC và Tân Hoàng Minh. Giờ đây, với vụ Vạn Thịnh Phát, và nhiều sai phạm có hệ thống ở các công ty chứng khoán liên quan, quan điểm của Nhà nước và chính phủ vẫn nhất quán. Điều đó cho thấy, thời gian tới đây, bên cạnh việc doanh nghiệp sai ở đâu, sẽ bị xử ở đó; trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Tội hình sự, dân sự, hay hành chính, sẽ được bóc tách kỹ lưỡng, trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Đây chính là mục tiêu của quá trình cải cách tư pháp đã và đang tiếp tục diễn ra ở nước ta. Qua đó, sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để chế tài các cá nhân, doanh nghiệp sai phạm, thay vì hình sự hóa sai phạm của họ.

Điều này giúp mọi quan hệ kinh tế vận hành lành mạnh, minh bạch, theo đúng quy luật thị trường, góp phần củng cố lòng tin và sự an tâm của người làm kinh doanh, tránh những sóng gió không cần thiết cho nền kinh tế.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều