Ngăn chặn tình trạng giao tính mạng cho rượu bia
Năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông xác định các chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm nồng độ cồn. Các địa phương sẽ thường xuyên, quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn và kiên quyết hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe. Đó là lý do thời gian vừa qua, cảnh sát giao thông Hà Nội đã triển khai phương án hóa trang xử lý nồng độ cồn gần quán nhậu.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên thế giới về mức tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu, bia của cả nước vào khoảng 3,4 tỷ USD.
Đồng thời, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan đến rượu, bia và con số này đang có xu hướng tăng nhanh. Chính vì thế, Nghị định 100 đã ra đời. Trong năm đầu được thực hiện, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có tác dụng lớn trong việc kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê, năm 2020 trên cả nước đã xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, giảm sâu về cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đây là năm đầu tiên trong thời gian dài số người bị chết vì tai nạn giao thông ở nước ta giảm xuống dưới 7.000 ca.
Tiếp theo những năm sau , thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn giao thông do uống rượu, bia gây ra chiếm khoảng 20% số vụ tai nạn. Việc tăng cường xử lý nồng độ cồn trên các tuyến giao thông đã góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do uống bia, rượu gây ra, có tác dụng tích cực trong việc hình thành thói quen không uống rượu bia trước khi lái xe.
Tuy nhiên, sau những nỗi sợ hãi, người dân buông dần thói quen chấp hành thói quen tốt. Trong 6 tháng cuối năm 2022 số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 30 ca (giảm khoảng 1,07%) so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, trong quý I/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc phát hiện hơn 750.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 1.300 tỷ đồng, tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 224.957 phương tiện các loại. Trong 5 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, cả nước có gần 16.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý (trung bình 1 ngày có hơn 3.000 tài xế bị xử phạt).
Điều đó có nghĩa là tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông đã tiếp tục tái diễn với tâm lý chủ quan, ỷ lại và phó mặc hơn. Chính vì thế, việc ra quân quyết liệt là điều hết sức cần thiết để cảnh tỉnh lại sự buông lỏng tính mạng của một số bộ phận người dân. Việc cảnh sát hóa trang xử lý nồng độ cồn gần quán nhậu là một tín hiệu đáng mừng để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông khi uống rượu bia.
Để tạo được thói quen không lái xe khi đã uống rượu bia, đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy, cần phải kiên trì để mọi người cùng thay đổi nhận thức và việc đo nồng độ cồn cần được ngành công an duy trì thường xuyên, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời cần có chế tài phạt nặng hơn đối với những người cố tình lập nhóm báo chốt kiểm tra nồng độ cồn.
Công Luân