Ngăn chặn biến tướng biếu tặng quà tết: Lãnh đạo phải làm gương
“Nếu lãnh đạo, cấp trên gương mẫu, có thái độ cương quyết thì ai dám biếu tặng quà tết?”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận.
Qùa tết, chỉ là sự khởi đầu
Ban Bí thư vừa ra Chỉ thị về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó có việc nghiêm cấm biếu, tặng quà tết dưới mọi hình thức. Cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá gì về việc này?
Tôi đánh giá cao việc Ban Bí thư hàng năm đều ra Chỉ thị cấm biếu, tặng quà tết dưới mọi hình thức vào dịp cuối năm. Điều này góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cấp dưới tặng quà cấp trên, doanh nghiệp quà cáp cán bộ chính quyền. Chỉ thị này càng quan trọng, cần thiết hơn vào năm nay, góp phần thức tỉnh tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, hạn chế những biến tướng, tiêu cực xảy ra.
Đây là thời điểm các địa phương vừa tiến hành xong Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm sau, thời điểm cận kề dịp Tết Nguyên đán. Đại hội chính là dịp làm nhân sự các cấp.
Vì thế có thể họ sẽ lợi dụng dịp tết để chúc tụng, lấy lòng, cũng có thể để dọn đường cho việc nhờ vả, cầu cạnh sau này.
Điều xã hội lên án là biến tướng trong việc biếu tặng quà tết. Dù không công khai, nhưng nếu muốn, người ta vẫn có thể thực hiện được những hành vi đó, thưa ông?
Bây giờ người ta đâu có rồng rắn xe cộ, quà cáp lỉnh kỉnh đến cơ quan, hay nhà riêng đâu? Làm như vậy rất phản cảm. Trước sức ép dư luận xã hội, bây giờ người ta tặng quà và nhận quà rất kín đáo bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ai cũng biết, tặng quà nhau vào mỗi dịp tết với mục đích trong sáng là phong tục, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Lễ tết là dịp để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau, kèm theo những món quà giản dị, chân thành cũng là điều đáng quý. Nhưng điều xã hội lên án là việc người ta lợi dụng dịp này để biếu tặng những món quà với giá trị vật chất lớn, nhằm mục đích vụ lợi. Quà giá trị lớn vượt trên mức tình cảm đơn thuần chỉ là sự khởi đầu, sau đó người ta mới đặt vấn đề lợi ích, có thể là chức tước, địa vị, hay dự án nọ, khu đất kia…
Cần tinh thần tự giác, nêu gương
Cơ quan phòng, chống tham nhũng đã có hẳn đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh tố cáo về các hành vi tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định trong dịp tết. Tuy nhiên, theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, số người nộp lại quà tặng không nhiều. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Con số thống kê không đáng kể so với thực tế diễn ra. Mặc dù chúng ta không có bằng chứng cụ thể, nhưng việc đồn đại, xầm xì về biếu tặng quà tết không phải chuyện hiếm. Người ta cho, nhận kín đáo nên không thể phát hiện ra được, cũng chẳng mấy ai tự nguyện báo cáo với tổ chức về việc này. Người ta cũng không muốn tự giác nộp lại quà tặng cho tổ chức, vì không muốn gây chú ý, lại thêm nghi ngờ, nên thường chọn giải pháp im lặng.
Thế nhưng vẫn cần thiết phải có quy định rõ ràng, rành mạch, bắt buộc ai đến tặng quà, được tặng quà phải báo cáo với tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nếu không báo cáo, sau này phát hiện ra, dù người đó là ai, giữ cương vị gì cũng đều phải xử lý nghiêm minh. Quy định này sẽ làm giảm đi tình trạng rồng rắn đến nhà, đến cơ quan tặng quà vào mỗi dịp lễ, tết.
Vậy còn cơ chế giám sát từ các tổ chức, cá nhân, hay từ nhân dân thì sao, thưa ông?
Điều này càng vô cùng khó, bởi làm gì có bằng chứng mà kiểm tra, giám sát, xử lý họ. Còn giám sát từ nhân dân, hay khu phố nơi quan chức sinh sống càng khó hơn. Sống ở đô thị, đến người nhà kế bên còn không biết, nói gì đến giám sát. Người ta đâu quan tâm, cũng không biết họ đến vì mục đích gì.
Muốn khẳng định tặng, nhận quà trái quy định phải bắt được quả tang mới xử lý được, nếu không sẽ bị cho là vu khống.
Điều quan trọng nhất có lẽ vẫn là tinh thần tự giác, nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nếu người đứng đầu thực sự nêu gương thì những biến tướng trong việc tặng quà sẽ giảm đi rất nhiều?
Đúng vậy. Điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tinh thần nêu gương của người đứng đầu cơ quan đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Biến tướng của quà tặng là tham nhũng, hối lộ. Cấp dưới hối lộ cấp trên, doanh nghiệp hối lộ quan chức. Nhưng nếu cấp trên mà gương mẫu, có thái độ dứt khoát, cứng rắn thì ai dám làm vậy? Người đứng đầu nêu gương mới thực sự cần thiết để ngăn chặn việc này, và đó mới thực sự là những người cán bộ lãnh đạo xứng tầm.
Cảm ơn ông!
Chỉ thị của Ban Bí thư nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Không tổ chức đi thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp tết.
—–
Ông Hầu A Lềnh (Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UB T.Ư MTTQ Việt Nam): Làm rõ thông tin từ người dân
Để thực hiện tốt nội dung nghiêm cấm biếu, tặng quà tết dưới mọi hình thức của Ban Bí thư, trước hết là tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên mà đặc biệt là những người có chức, có quyền. Còn có kiểm soát đến đâu, nếu không tự giác thì cũng không làm được. Cần phát huy vai trò giám sát của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp và của các tổ chức thành viên, cũng như giám sát của nhân dân. Khi có ý kiến, kiến nghị của người dân, Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm phản ánh đến các cơ quan chức năng, trong đó có cấp ủy các cấp, chính quyền các cấp về quản lý cán bộ, các cơ quan chức năng để xem xét làm rõ nếu có thì công khai thông tin đó. Đấy cũng là kênh hết sức quan trọng để phòng ngừa những chuyện tiêu cực qua quà cáp có thể xảy ra.Văn Kiên (ghi)
Thành Nam/TP