Ngẫm về tâm và tầm khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn trước Quốc hội
Những ngày qua, kỳ họp Quốc hội nóng hơn bao giờ hết, bởi hàng loạt những vấn đề nhức nhối của xã hội đã được các vị đại biểu chất vấn trên nghị trường. Và cũng vì như thế, chúng ta có thể chứng kiến được cái tâm, cái tầm của những vị lãnh đạo khi trả lời chất vấn.
Như ngày 09/11 vừa qua, cả hội trường tĩnh lặng khi lắng nghe những phát biểu xúc động, đầy đủ và điềm đạm của vị Phó Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam – Vũ Đức Đam. Ông đã trả lời nhiều chất vấn của đại biểu quốc hội về các vấn đề xã hội quan tâm: Lương hưu, bảo hiểm, tự chủ đại học, Đại học Tôn Đức Thắng, đạo đức xã hội… Đặc biệt, ông đã phản biện rất thuyết phục về câu hỏi đạo đức của xã hội xuống cấp.
Khi bắt đầu đi vào vấn đề, vị Phó Thủ tướng không hề né tránh mà khẳng định có tồn tại những sự vụ rất đau lòng trong thời gian gần đây. Có thể từ những sự vụ đó khiến cho các vị Đại biểu cho rằng nguyên nhân là do sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội. Thế nhưng, ở tầm rộng hơn, Phó Thủ tướng đã đặt ngược lại câu hỏi rằng, dân tộc ta có xuống cấp về đạo đức hay không? Dẫn chứng câu hỏi, Phó Thủ tướng đã nhắc lại những chiến thắng của U23 khiến người dân vui mừng, lòng tự tôn dân tộc được nâng cao, những người dân xa lạ cũng dễ dàng bắt tay, ôm nhau để ăn mừng chiến thắng của dân tộc. Ông cũng nhắc đến sự đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau khi đất nước đối diện với thiên tai, dịch bệnh. Về những chiếc bánh chưng được gói thâu đêm suốt sáng, về những đoàn cứu trợ, về những số tiền khổng lồ ồ ạt gửi về đồng bào miền Trung thân yêu. Với những gì đã diễn ra, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, “Có đất nước nào trong thiên tai mà người dân thương nhau đến vậy?”.
Có thể thấy, chỉ bằng chừng ấy dẫn chứng và vài câu hỏi đi vào trọng tâm là đủ để vị Phó Thủ tướng đưa ra một cái nhìn tổng quan nhất về vấn đề cần hướng tới. Đặc biệt, cách trình bày của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất từ tốn, điềm tĩnh và thể hiện được trí thức, khiến người nghe cảm thấy rất thuyết phục. Nhìn cách ông nói, cái cách ông trình bày nó toát ra được tâm thế của một người hết lòng vì đất nước. Từng câu, từng chữ là cả những trăn trở, suy tư bởi phát biểu trước nghị trường rất có hạn mà phải truyền đạt hết ý nghĩa của vấn đề mình muốn nói là một điều rất khó. Cái cách ông xin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân 3 phút để nói hết được sự trăn trở của mình cũng khiến dư luận rất cảm phục.
Đặc biệt, như thường lệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu một cách trơn tru, thuần thục mà không cần bất cứ một tài liệu nào. Điều này chứng tỏ, những lời phát biểu của ông “đi ra” từ trí óc, không sáo rỗng, khuôn mẫu nên dễ dàng chạm tới trái tim của người nghe.
Một điều khiến cho dư luận rất thích thú ở phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đó chính là bất cứ một vấn đề nào cũng được ông trình bày rất gãy gọn từ thực trạng, nguyên nhân cho đến giải pháp. Để giải quyết vấn đề suy thoái đạo đức, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền thì điều quan trọng nhất là phải làm gương. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, lãnh đạo phải làm gương cho nhân viên, người lớn phải làm gương cho người nhỏ. Những lời nói của ông rất thuyết phục, bởi ông chính là tấm gương tiêu biểu ham học và không ngừng phấn đấu để một cậu bé trường làng có thể trở thành Phó Thủ tướng trẻ tuổi nhất Việt Nam và nhận được sự yêu quý của người dân rất lớn.
Và sẽ là thiếu sót khi quên kể đến đức tính khiêm nhường của một vị chính khách trước nghị trường. Trước khi trả lời câu hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhắn nhủ rằng, mong những vị đại biểu đặt câu hỏi chia sẻ và chỉ bảo thêm cho ông. Thật sự hiếm thấy, trên nghị trường một vị chính khách nào lại có thể điềm đạm đến như vậy. Qua những lời phát biểu của ông, chúng ta có thể sẽ càng hiểu rõ hơn vì sao mà ông lại trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam. Rất trân trọng những vị lãnh đạo có đầy đủ tâm và tầm như ông.
Thu An